Nhiều kiến nghị của cử tri Hà Nội được giải đáp
Thanh tra, kiểm tra chất lượng biên soạn sách giáo khoa
Nhiều kiến nghị của cử tri Hà Nội gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị thanh tra toàn diện về giá và chất lượng biên soạn sách giáo khoa của cấp Tiểu học và Trung học cơ sở hiện nay.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã trả lời như sau: Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) bám sát tình hình thực tiễn và quy định pháp luật.
Ảnh minh họa: P.T |
Năm 2020, đã tổ chức tập huấn công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lãnh đạo và thanh tra của 63 Sở GD&ĐT trong cả nước. Hằng năm, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc lựa chọn sách giáo khoa; đặc biệt năm 2022 đã tổ chức 03 cuộc thanh tra đột xuất tại 06 tỉnh về việc lựa chọn sách giáo khoa.
Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ GD&ĐT và các địa phương đã kịp thời phát hiện tồn tại, hạn chế và khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, quy trình lựa chọn sách giáo khoa, việc đầu tư, trang bị thiết bị dạy học tối thiểu, việc xây dựng, ban hành tài liệu giáo dục địa phương; công tác thu chi đầu năm, việc tiếp nhận, tài trợ, xã hội hóa giáo dục theo quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 đã được Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 3838/QĐ-BGDĐT ngày 24/11/2022 và Quyết định số 4608/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2022; chỉ đạo các Sở GD&ĐT thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo thẩm quyền quản lý.
Đồng thời, xem xét phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra về giá và chất lượng biên soạn sách giáo khoa theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Đảm bảo công tác khám chữa bệnh giữa các tuyến
Về kiến nghị của cử tri Hà Nội đề nghị tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân mua Bảo hiểm y tế tự nguyện được điều trị, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trên, theo Bộ Y tế: Bảo hiểm y tế là chính sách xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước ta.
Tham gia Bảo hiểm y tế là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân, đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước với toàn xã hội, nhằm hướng tới sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân. Hiện nay, theo quy định việc tham gia Bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc, là trách nhiệm của toàn xã hội, không có hình thức Bảo hiểm y tế tự nguyện.
Cử tri đề nghị tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân mua Bảo hiểm y tế tự nguyện được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trên. (Ảnh minh họa: H.D) |
Người tham gia Bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã/huyện hoặc tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám chữa bệnh.
Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến tỉnh trở lên thì người tham gia Bảo hiểm y tế được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại đây khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho người tham gia Bảo hiểm y tế theo quy định của Giám đốc Sở Y tế sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (2) Thị xã, thành phố thuộc tỉnh được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh do Giám đốc Sở Y tế quy định sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Y tế quy định sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (3) Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe theo Hướng dẫn số 52-HD/BTCTW ngày 2/12/2005 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng; (4) Đối tượng thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh, thành phố; (5) Người có công với Cách mạng, người từ đủ 80 tuổi trở lên; (6) Trẻ em dưới 6 tuổi; (7) Người công tác trong quân đội khi nghỉ hưu.
Theo quy định Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế: (1) Từ ngày 01/01/2016, người tham gia Bảo hiểm y tế đã được thông tuyến huyện về khám chữa bệnh, Bảo hiểm y tế, người dân được khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào trong tuyến huyện trong phạm vi tỉnh (Khoản 4, Điều 22) và được khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện trong phạm vi toàn quốc (Khoản 3 Điều 22); (2) Từ ngày 01/01/2021, người tham gia Bảo hiểm y tế được thông tuyến tỉnh toàn quốc, nghĩa là được khám chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc, được hưởng 100% trong phạm vi quyền lợi khi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh; được hưởng 40% khi khám chữa bệnh nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương.
Các chính sách theo từng thời kỳ nói trên đã tạo điều kiện cho người dân khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế theo tuyến thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc thông tuyến đối với các tuyến các bệnh viện Trung ương (tuyến cuối) sẽ gây quá tải tại tuyến trung ương và công tác khám chữa bệnh tại tuyến dưới không hiệu quả. Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để đảm bảo công tác khám chữa bệnh giữa các tuyến, tránh tình trạng các bệnh thông thường dồn lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Ngoài ra, hiện nay trên lãnh thổ Việt Nam đã có một số công ty cung cấp bảo hiểm tự nguyện trong khám bệnh, chữa bệnh. Nếu người dân có nhu cầu thi liên hệ trực tiếp với các đại lý của các công ty này để được cung cấp bảo hiểm tự nguyện trong khám bệnh, chữa bệnh.
Tiêu chuẩn được vay vốn đối với công nhân, viên chức, lao động
Cử tri Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08/2/2017 về việc quản lý sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách theo hướng quy định về kênh tiếp cận, điều kiện, tiêu chuẩn được vay vốn phù hợp với đối tượng là công nhân, viên chức, người lao động. Vì quy định như hiện nay thông qua đoàn thể thôn, tổ dân phố người lao động sẽ rất khó khăn và hầu như không tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là công nhân tại các doanh nghiệp, các Khu công nghiệp và chế xuất thuê trọ, không có hộ khẩu thường trú. Trong khi nhu cầu vay vốn của công nhân lao động là rất lớn, nhiều người lao động đã buộc phải tiếp cận với nguồn tín dụng đen, ảnh hưởng đến đời sống, xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn.
Cán bộ giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, làm làm hồ sơ vay vốn dưới sự hướng dẫn của cán bộ Quỹ Trợ vốn (Ảnh: H.D) |
Về kiến nghị này, Bộ Tài chính trả lời như sau: Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Điều 11 và khoản 6 Điều 14) quy định: (i) nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương; (ii) vốn nhận uỷ thác cho vay ưu đãi được sử dụng theo các mục đích do bên uỷ thác yêu cầu và được ghi trong hợp đồng uỷ thác.
Theo Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08/02/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác:
- Khoản 3 Điều 5 quy định về đối tượng cho vay: “Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và một số đối tượng chính sách khác tại địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định (nếu có)”.
- Khoản 5 Điều 5 quy định: “Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm tiền vay (nếu có) do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội và phù hợp với thực tế tại địa phương".
Căn cứ các quy định nêu trên, việc sửa đổi quy định liên quan đến kênh tiếp cận, điều kiện, tiêu chuẩn được vay vốn theo kiến nghị của cử tri Thành phố đối với đối tượng công nhân, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định (bên ủy thác). Do đó, đề nghị cử tri Thành phố làm việc với Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân Thành phố để được hướng dẫn cụ thể.