Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận về rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày
Hà Nội quyết liệt xử lý nghiêm tình hình nợ đóng bảo hiểm xã hội Người lao động qua học nghề có tiếp tục được mức lương cao hơn 7%? |
Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này:
"Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ"
Người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian. Nhà nước khuyến khích sử dụng người lao động cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm quyền lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Ảnh minh họa: Bộ luật Lao động quy định rõ về sử dụng người lao động cao tuổi (ảnh: VGP) |
Điều 149 Bộ luật Lao động cũng nêu rõ, người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi chỉ được giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.
Đồng thời, không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.
Về nguyên tắc, người sử dụng lao động chỉ sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi khi có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, cụ thể như sau:
a) Người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật;
b) Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành;
c) Chỉ sử dụng không quá 5 năm đối với từng người lao động cao tuổi;
d) Có ít nhất một người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm việc;
đ) Có sự tự nguyện của người lao động cao tuổi khi bố trí công việc.
Còn theo Điều 29 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, một trong các điều kiện để sử dụng người lao động cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là có đơn của người lao động cao tuổi về sự tự nguyện làm việc để người sử dụng lao động xem xét trước khi ký hợp đồng lao động.
Đồng thời, người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng người lao động cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải lập phương án, gửi Bộ có thẩm quyền quản lý ngành về các nội dung cơ bản như chức danh nghề, công việc, kèm theo mô tả đặc điểm, điều kiện lao động của nghề, công việc sử dụng người lao động cao tuổi; đề xuất và đánh giá từng điều kiện cụ thể sử dụng người cao tuổi...