Nghiên cứu thêm phương án vận tốc tàu tốc độ cao Bắc- Nam ở mức 200 và 250km/h
Kiểm soát chặt tiến độ, chất lượng dự án cao tốc Bắc - Nam Thu phí không dừng trên cao tốc: Quá nhiều xe không đủ tiền trong tài khoản, nhà cung cấp chậm khắc phục |
Tại Hội thảo Kết quả thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam diễn ra chiều 26/10 nhiều chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn tốc độ chạy tàu, phương án huy động vốn cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ phải rất cẩn trọng, vừa đảm bảo tính hiện đại, vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tháng 2/2019, Bộ GTVT đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được nghiên cứu trong phạm vi 20 tỉnh/thành phố dọc từ Hà Nội vào TP.HCM. Dự án dự kiến phương án tổ chức chạy tàu với tốc độ chạy tàu lớn nhất là 320km/h. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 1.334.233 tỷ đồng (58,71 tỷ USD).
Nhiều chuyên gia vẫn cho ý kiến cần nghiên cứu phương án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam vận tốc 200km/h |
Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả thẩm tra, liên danh các nhà tư vấn thẩm tra đã đánh giá tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã lựa chọn cấp tốc độ thiết kế và khai thác chưa phù hợp; các số liệu tính toán cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cũng chưa sát thực về khối lượng, suất đầu tư để tính toán tổng mức đầu tư, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế xã hội.
Đơn vị tư vấn thẩm tra cũng cho rằng là các giải pháp huy động vốn được tư vấn lập dự án đề xuất không khả thi nếu huy động 80% vốn bằng việc sử dụng vốn ngân sách, vốn vay ODA hoặc vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính, 20% vốn từ doanh nghiệp tư nhân (12 tỷ USD).
Trong báo cáo thẩm tra, liên danh UTCV – EVO – ARUP – HP kiến nghị lựa chọn cấp tốc độ thiết kế 250 km/h và tốc độ khai thác 225 km/h để khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng.
“Cấp tốc độ này cho phép vận hành hỗn hợp tàu khách và tàu hàng, mở ra cơ hội các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao”, đại diện liên danh tư vấn đề xuất và nhấn mạnh xu thế của các dự án đường sắt tốc độ cao ở châu Âu hiện nay đều đã giảm tốc độ khai thác từ trên 300 km/h xuống 200 km/h đến 250 km/h và vận hành hỗn hợp để tiết kiệm chi phí vận hành.
Với phương án này, tư vấn thẩm tra tính toán khái toán tổng mức đầu tư dự án là 61,67 tỷ USD, trong đó dự kiến huy động từ đấu giá bất động sản tại 50 khu đô thị nhà ga có quy mô từ 200 ha đến 500 ha/khu (theo mô hình TOD) là 38,946 tỷ USD, chiếm 63,15% tổng mức đầu tư.
Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư (2023- 2025), dự án sẽ được triển khai xây dựng từ năm 2025 – 2031 với giai đoạn 1 tiến hành GPMB toàn dự án và 50 khu đô thị nhà ga; xây dựng đoạn tuyến Thủ Thiêm – Nha Trang dài 361 km.
Theo TS Nguyễn Ngọc Long, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT, tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có trách nhiệm làm rõ các ý kiến phản biện của tư vấn thẩm tra, đặc biệt là dải tốc độ lựa chọn, phương án huy động vốn.
Liên quan đến đề xuất về việc lựa chọn cấp tốc độ thiết kế 250 km/h và tốc độ khai thác 225 km/h để khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng của tư vấn thẩm tra, ông Long cho rằng đây là phương án có nhiều điểm khác biệt với đề xuất của Bộ GTVT tới mức có thể coi là dự án mới hoàn toàn, cần được xem xét thấu đáo bên cạnh phương án chạy tàu ở tốc độ dưới 150 km/h mà Lào đã triển khai.
Theo N.T/anninhthudo.vn