Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công
Ưu tiên đầu tư xây dựng sớm mạng đấu giá tài sản quốc gia Vì một nền hành chính công minh bạch |
Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính ngân sách nhà nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ Tài chính cho biết trong năm 2022, Bộ đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch; về nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước. Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương thực hiện rà soát, đánh giá chế độ quản lý các loại tài sản kết cấu hạ tầng khác (hạ tầng chợ, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục,...); trình Chính phủ sửa Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Năm 2022, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 154 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Lũy kế đến nay, đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 30.632 cơ sở nhà, đất thuộc của các bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Về công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Tính đến ngày 15/12, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc (các Tổng cục Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước,...) đã thực hiện trên 87,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 781 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; làm tốt vai trò của Ban chỉ đạo 389 điều tra chống buôn lậu; đã bắt giữ, xử lý trên 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan.
Đặc biệt đã bắt giữ 268 vụ buôn bán, vận chuyển ma túy, bắt giữ 233 đối tượng; tang vật thu được gồm: 153 kg Heroin và 28 bánh heroin; 145 kg Cần sa; 49,1 kg thuốc phiện; ma tuý tổng hợp 629 kg và 54.164 viên, ketamin 47,5 kg. Bên cạnh đó, lực lượng Hải quan cũng đã bắt giữ nhiều vụ liên quan đến buôn lậu xăng dầu, vận chuyển tiền xuyên biên giới,...
Điển hình như vụ việc phát vận chuyển trên 1 triệu USD tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, vụ việc công ty Tân Đại Dương và công ty Đầu tư Vân Đồn làm giả giấy tờ để chuyển trái phép tiền tệ ra nước ngoài, vụ việc vận chuyển trái phép 33.133 lít dầu DO và 90 tấn dầu FO tại Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh,...
Tổng số đã kiến nghị xử lý tài chính là 72,9 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nộp ngân sách Nhà nước 21,77 nghìn tỷ đồng; giảm lỗ, giảm khấu trừ, xử lý vi phạm hành chính và xử lý tài chính khác 51,1 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt công tác công khai ngân sách Nhà nước và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc công khai theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP), điểm số công khai minh bạch ngân sách (OBS) của Việt Nam năm 2021 tiếp tục được cải thiện, tăng 9 bậc so 2019 và 23 bậc so năm 2017, lên xếp hạng thứ 68/120 nước, đạt mức 44/100 điểm đối với trụ cột Minh bạch ngân sách, 17/100 điểm đối với trụ cột Sự tham gia của công chúng, 80/100 điểm đối với trụ cột Giám sát ngân sách, các trụ cột đều tăng 6 điểm so với năm 2019.
Bảo Thoa