Ưu tiên đầu tư xây dựng sớm mạng đấu giá tài sản quốc gia
Tăng hiệu quả sử dụng đất sau đấu giá Thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số ô tô |
Xây dựng mô hình đấu giá trực tuyến tập trung
Bộ Tư pháp vừa họp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Theo Bộ Tư pháp, trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hình thức đấu giá trực tuyến được sử dụng rộng rãi ở một số địa phương, đã góp phần hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, “xã hội đen”... Tính đến ngày 15/8, cả nước đã có 8 tổ chức đấu giá đủ điều kiện được đấu giá theo hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc đấu giá trực tuyến đã phát sinh một số bất cập, không đảm bảo thống nhất trong tổ chức thực hiện. Cụ thể như Nghị định số 62/2017/NĐ-CP chưa quy định, quy định chưa đầy đủ về đấu giá trực tuyến hoàn toàn trên môi trường mạng (chỉ quy định cuộc đấu giá được tổ chức trực tuyến, còn quy trình niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, việc bán hồ sơ, nộp tiền đặt trước.... vẫn thực hiện trực tiếp), khiến các tổ chức đấu giá lúng túng, mỗi tổ chức thực hiện một cách khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu kết luận cuộc họp. |
Nghị định số 62/2017/NĐ-CP cũng quy định các tổ chức đấu giá tài sản tự xây dựng và vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình mà chưa có quy định về Trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất, gây khó khăn cho các tổ chức đấu giá và người có tài sản trong quá trình lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến...
Vì vậy, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đấu giá trực tuyến, trình tự, thủ tục thực hiện, yêu cầu đối với hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Dự thảo Nghị định quy định xây dựng mô hình đấu giá trực tuyến “tập trung”. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá tài sản ở trung ương sẽ thành lập hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia để các tổ chức đấu giá tài sản tổ chức thực hiện đấu giá trực tuyến các loại tài sản.
Để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, khách quan, trên cơ sở nghiên cứu mô hình đấu giá trực tuyến của một số nước trên thế giới, dự thảo Nghị định quy định cụ thể các yêu cầu đối với hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia như công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin, người sử dụng nhận biết được thời gian thực khi truy cập; an toàn, bảo mật về tài khoản truy cập, việc tham gia trả giá, giá đã trả và các thông tin về người tham gia đấu giá; có khả năng xác thực người dùng, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu.
Hệ thống này cũng hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch, mức giá được trả tại các cuộc đấu giá, việc rút lại giá đã trả và những thông tin cần thiết khác trong quá trình tổ chức đấu giá; hiển thị mức giá cao nhất được hệ thống đấu giá trực tuyến ghi nhận liên tục để những người tham gia đấu giá có thể xem được…
Ảnh minh họa. (Ảnh: VGP) |
Các ý kiến tại phiên họp cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị định quy định mô hình đấu giá trực tuyến tập trung theo hướng xây dựng hệ thống đấu giá tài sản quốc gia thống nhất để các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện đấu giá trực tuyến và lộ trình thực hiện.
Giải thích rõ phạm vi tài sản công phải đấu giá trực tuyến
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, đấu giá tài sản trực tuyến chỉ là một trong những phương thức đấu giá tài sản theo Luật Đấu giá tài sản chứ không nên coi đấu giá trực tuyến là một giải pháp để giải quyết tất cả những bất cập hiện nay. Đồng thời, khi hệ thống đấu giá tài sản quốc gia được xây dựng và dùng chung thì việc chuẩn bị về điều kiện vật chất, kỹ thuật, con người phải rất kỹ lưỡng để quản lý và vận hành.
Bên cạnh đó, chỉ bán tài sản công thì buộc phải thực hiện trên hệ thống đấu giá tài sản quốc gia, còn nếu tài sản khác có thể sử dụng Trang đấu giá trực tuyến do các tổ chức đấu giá tài sản tự xây dựng.
Nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Phần mềm và cơ sở dữ liệu, Cục Công nghệ thông tin Bộ Tư pháp cho rằng, hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến phải được xây dựng tập trung, thống nhất và do cơ quan nhà nước có chuyên môn, năng lực, thẩm quyền quản lý, vận hành.
Đồng thời, nên quy định trong dự thảo Nghị định là tài sản nhà nước phải thông qua hệ thống đấu giá tài sản trực tuyến quốc gia, và có thể cân nhắc thêm quy định giá trị tài sản từ bao nhiêu thì sẽ thực hiện đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thông qua hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu giải thích rõ phạm vi tài sản công phải áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến; xác định rõ nguyên tắc mạng đấu giá tài sản trực tuyến quốc gia là biện pháp quan trọng để bảo đảm lợi ích của nhà nước trong đấu giá tài sản công. Việc xây dựng, vận hành mạng đấu giá tài sản quốc gia phải được ưu tiên đầu tư xây dựng sớm để bảo đảm sự công khai minh bạch trong đấu giá tài sản công.
Đồng thời, quy định cụ thể cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản công được đem bán đấu giá phải có trách nhiệm tham gia vào hoạt động bán đấu giá để bảo đảm lợi ích của Nhà nước.