Làm thêm giờ, công nhân không còn thời gian chăm sóc con
Công nhân "đau đầu" đi chợ vì giá thực phẩm tăng Đừng để công nhân “đỏ mắt” chờ tiền hỗ trợ thuê nhà trọ |
Mẹ con công nhân chị La Thị Lường trong phòng trọ nhỏ thuê ở thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (Hà Nội). |
Có 35,5% trẻ không được vui chơi cùng cha mẹ; 30,8% không được gần gũi, chia sẻ cảm xúc; 17,6% không được quan tâm dỗ dành khi bị tổn thương; 18,9% không được giải đáp sự hiếu kỳ, tò mò…
Chúng tôi gặp 3 mẹ con chị La Thị Lường trong phòng trọ nhỏ thuê ở thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (Hà Nội).
Con thứ 2 mới hơn 4 tháng tuổi nên thời gian này, chị đang trong chế độ nghỉ thai sản. Trước đây, chị Lường là giáo viên mầm non dạy ở Tuyên Quang. Với mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng trong khi phải đi lại 80km/ngày, chị Lường quyết định bỏ nghề trông trẻ, đi làm công nhân cùng chồng ở Hà Nội.
Tháng 6.2021, chị Lường bắt đầu xin đi làm ở nhà máy, cậu con trai đầu 5 tuổi vì vậy phải xa bố mẹ. Bắt đầu công việc có khuôn khổ, ngoài làm 8 tiếng, vợ chồng chị Lường thường xuyên phải tăng ca đến 12 tiếng, thậm chí làm thêm giờ cả thứ 7, chủ nhật. Nữ công nhân cho biết, đây chính là nguyên nhân khiến chị không thể đón con lên ở cùng.
“Là bố mẹ, ai cũng muốn được gần con, để bảo ban cháu học hành, chăm sóc được tốt hơn. Nhưng đi ở trọ như thế này, hai vợ chồng lại thường xuyên làm ca đêm, tăng ca, nên tôi đành phải gửi cháu lớn ở quê nhờ ông bà trông. Dù sao, ông bà ở nhà còn có thời gian để trông các cháu hơn là vợ chồng tôi” - chị Lường ngậm ngùi.
Sau này cháu út cứng cáp hơn, chị Lường cũng dự định gửi con về quê nhờ ông bà trông. Thương con còn bé bỏng nhưng không được gần bố mẹ, nhưng tính đi tính lại, chị Lương thấy không có cách nào khả dĩ hơn.
Ông bà không thể lên nhà trọ dài ngày để trông các cháu vì còn bận việc nhà; hơn nữa, phòng trọ rất chật chội, bất tiện trong sinh hoạt. “Vợ chồng tôi sẽ tập trung làm việc kiếm tiền để gửi về cho ông bà chăm sóc các cháu. Tôi dự định hai vợ chồng làm công nhân một thời gian nữa rồi về quê, chứ không thể xa nhà, xa con đằng đẵng như này được" - người mẹ 2 con này nói.
Được biết, chị Lường cũng không có ý định mua nhà vì thu nhập từ công nhân thấp, giá nhà lại quá cao, vợ chồng chị không thể với tới.
"Mấy tháng này tôi tăng ca liên tục, kể cả thứ 7, chủ nhật. Thằng nhỏ năm nay lên lớp 3 được nghỉ hè lên chơi với bố mẹ tôi cũng chưa đưa con đi chơi được ở đâu. Nếu đón con lên, coi như tôi bỏ bẵng, vì đi làm công ty không chỉ vì thu nhập, mà còn là trách nhiệm" - chị Hứa Thị Tuyền - công nhân một công ty chuyên lắp đặt thiết bị vệ sinh ở Hà Nội chia sẻ.
Xa con từ khi con lên 3, chị Tuyền chia sẻ, "không nỗi nhớ nào bằng nhớ con". Hiểu rõ việc con xa bố mẹ chịu đủ thiệt thòi, song chị Tuyền cũng không còn cách nào khác.
Trên thành phố, chị Tuyền và chồng thuê căn phòng rộng 15m2, xây từ năm 2005 nên khá cũ kỹ. Để con có môi trường phát triển, nữ công nhân này không đành lòng để con sống trong điều kiện thiếu thốn.
Mặt khác, giá cả, chi phí học hành ở Hà Nội bao giờ cũng đắt đỏ hơn ở quê, với tổng thu nhập làm công nhân của 2 vợ chồng khoảng 16 triệu đồng/tháng, cả gia đình chắt bóp lắm mới có thể có đồng dư.
"Rất nhiều lần con đòi cả gia đình được sống cùng nhau. Tôi phải dỗ dành con chịu khó thêm vài năm nữa bố mẹ sẽ ở hẳn với con. Nói là vậy, không làm công nhân, về quê cũng chẳng biết làm nghề gì khác để kiếm sống" - chị Tuyền cho hay.
Theo Hương Chi/laodong.vn
https://laodong.vn/cong-doan/lam-them-gio-cong-nhan-khong-con-thoi-gian-cham-soc-con-1072617.ldo