Không sử dụng thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm chức năng
Đây là một trong các nội dung được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Hồ sơ Dự án Luật này vừa được gửi đến Bộ Tư pháp để thẩm định theo thẩm quyền.
Sửa đổi, bổ sung 4 nhóm chính sách
Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Quảng cáo, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nếu năm 2013, cả nước mới chỉ có trên 5.500 doanh nghiệp quảng cáo thì đến năm 2019 đã có trên 13.000 doanh nghiệp quảng cáo và tổ chức sự kiện, là ngành kinh doanh năng động, thu hút doanh nghiệp trẻ tham gia kinh doanh khởi nghiệp. Hoạt động quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo, trang thông tin điện tử, mạng xã hội thiết bị điện tử thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác đang phát triển rất mạnh…
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, cùng với sự phát triển của kinh tế doanh nghiệp, hoạt động quảng cáo cũng đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, cần có sự điều chỉnh pháp luật.
Đó là những quy định về hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài đang nhằm mục đích bảo hộ doanh nghiệp quảng cáo trong nước, tuy nhiên lại kìm hãm sự phát triển của hoạt động quảng cáo và không phù hợp với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa; thiếu cơ chế để kiểm soát hiệu quả hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Metier" vi phạm quy định quảng cáo trên một số website. Ảnh: VGP |
Bên cạnh đó, việc quản lý nội dung, hình thức quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, gặp nhiều ý kiến trái chiều trong bối cảnh sự phát triển đa dạng của nội dung, hình thức quảng cáo.
Các quy định pháp luật có liên quan đến sự phát triển của hoạt động quảng cáo ngoài trời như quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch quảng cáo chưa đồng bộ, thống nhất; một số quy định hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện các phương tiện quảng cáo ngoài trời như bảng quảng cáo, băng-rôn, đoàn người thực hiện quảng cáo chưa cụ thể, rõ ràng…
Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 nhóm chính sách: Quản lý hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài trong xu thế hội nhập quốc tế; Tăng cường quản lý quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại thị trường quảng cáo Việt Nam; Hoàn thiện quy định của pháp luật về nội dung, hình thức và quản lý phương tiện quảng cáo; Bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Nội dung quảng cáo phải rõ ràng, không gây hiểu lầm
Dự thảo quy định, nội dung quảng cáo phải đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt; trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm; nội dung quảng cáo cần được phân biệt rõ ràng với nội dung thông tin khác; với quảng cáo nhằm mục đích sinh lợi, nội dung quảng cáo phải làm rõ tính chất quảng cáo thương mại, không được truyền tải sai hoặc ngụ ý là ý kiến của người tiêu dùng…
Trong đó, Dự thảo Luật quy định rõ quảng cáo thuốc phải có các thông tin: Tên thuốc; Thành phần dược chất hoặc dược liệu ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được phê duyệt; Chỉ định; Cách dùng; Liều dùng; Chống chỉ định, những khuyến cáo cho đối tượng đặc biệt; Tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất thuốc; Lời dặn "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng"
Quảng cáo thực phẩm chức năng phải nêu rõ: Công dụng, tác dụng; khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền; Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Khi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có các nội dung: Tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi được cấp phép hoạt động; Phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật chính ghi trong Giấy phép hoạt động hoặc Chứng chỉ hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền về y tế cấp phép…
Đồng thời, quảng cáo sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ phải nêu rõ: Tên sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; khuyến cáo "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ" và “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi”…
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng yêu cầu thiết lập và thực thi Bộ quy tắc ứng xử quảng cáo của từng lĩnh vực trong nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo tại Điều 10 Luật Quảng cáo.
Đồng thời, đề xuất tăng thời lượng quảng cáo cho phép trên chương trình phim truyện dựa trên thời lượng chương trình; tăng diện tích, thời gian chờ tắt, mở quảng cáo trên báo in, báo điện tử; cho phép quảng cáo trên đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và hệ thống truyền thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị của xã, phường, thị trấn…