Khởi công dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô: Tạo không gian kết nối liên vùng
Huyện Hoài Đức đạt tỉ lệ hơn 71 % giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 Huyện Đan Phượng tạo đồng thuận trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 4 |
Vượt kế hoạch và cam kết
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, các quận, huyện trên địa bàn đã bàn giao mặt bằng vị trí khởi công cho Ban Quản lý. Đến nay, 7 quận, huyện có dự án đi qua đã thu hồi đất, bàn giao mặt bằng hơn 651ha (đạt 81,6%), vượt kế hoạch và cam kết. Tỉ lệ này khá đồng đều ở các quận, huyện, đều đạt từ 70% trở lên. Tổng số mộ thuộc diện giải phóng mặt bằng đã di chuyển được 6.035 ngôi (đạt 60,1%). Số tiền đã phê duyệt để chi trả đền bù hỗ trợ là 4.626,7 tỉ đồng.
Đối với bất kỳ dự án đầu tư, xây dựng nào ở nước ta, giải phóng mặt bằng luôn là khâu đầu tiên, trọng điểm nhất. Với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, giải phóng mặt bằng còn là khâu “trọng điểm của trọng điểm”.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khảo sát vị trí khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội |
Đi cơ sở cùng với các cán bộ xã ở nhiều địa phương của huyện Thường Tín, Sóc Sơn hay Mê Linh, chúng tôi được trực tiếp gặp, trao đổi với người dân vùng dự án đi qua. Tại các khu vực này, đa số người dân đồng tình, ủng hộ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong đầu tư, xây dựng dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Nhưng, nói như thế không phải là không có những băn khoăn, trăn trở.
Gia đình anh Phạm Chí Thảo, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, người có 288m2 đất phải thu hồi phục vụ dự án, anh Thảo cũng như các hộ dân khác đều bày tỏ đồng tình. Tuy nhiên, anh băn khoăn, việc bồi thường với khung giá đất này là câu chuyện của cách đây hơn chục năm trước. “Đến nay Nhà nước vẫn chưa điều chỉnh giá nên giá rất thấp, nhưng do đây là một dự án trọng điểm của quốc gia nên nhân dân chúng tôi cũng phải đồng thuận”, anh Thảo nói.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Thành phố trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân trên địa bàn huyện Đan Phượng. |
Tại huyện Đan Phượng, thôn Bồng Lai của xã Hồng Hà nằm ngay dưới cầu Hồng Hà (theo quy hoạch) với 150 hộ dân có đất ở thuộc diện di dời phục vụ dự án đường Vành đai 4. Gia đình ông Nguyễn Văn Canh (80 tuổi) dù đã sinh sống 7 đời trên mảnh đất 814m2 tại ngách 9, cụm 1, thôn Bồng Lai, nhưng đã sẵn tinh thần về nơi ở mới để nhường đất cho dự án. “Không chỉ nhà tôi, bà con xung quanh cũng rất phấn khởi, đồng tình với chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 của Đảng, Nhà nước. Chỉ mong chính sách tái định cư, đền bù thỏa đáng để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”, ông Canh chia sẻ.
Sự ủng hộ của người dân xuất phát từ sự cần thiết của dự án đường Vành đai 4. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường và khu vực ngoại thành; tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, liên tuyến. Tuyến đường còn tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô Hà Nội, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Đã làm là phải làm liên tục
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thử thách trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, nhưng về đích đúng hẹn là cam kết mà lãnh đạo 7 quận, huyện khi đặt bút ký giao ước thi đua của 15 quận, huyện, thành phố thuộc 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Trong số 7 quận, huyện có nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4, quận Hà Đông được cho là gặp nhiều khó khăn nhất, bởi đối với đất nông nghiệp, người dân mong muốn chính sách bồi thường cao hơn so với các huyện, nên quận phải tuyên truyền, vận động vất vả hơn. Trong khi đó, đối với đất ở, khu tái định cư được xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Oai, nên quận có phần không chủ động được. Trong khi đó, việc di dời mộ cũng phải chờ hoàn thành nghĩa trang mới, thay vì chỉnh trang, mở rộng nghĩa trang hiện có... Mặc dù khó khăn, nhưng Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân khẳng định: “Quận cam kết trong tháng 6, sẽ hoàn thành hơn 70%, cuối năm 2023 phấn đấu hoàn thành 100%”.
Cán bộ thực hiện công tác chi trả trao tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho người dân trong dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô |
Ngày 25/6, thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức lễ khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại 4 vị trí. Cụ thể: Vị trí 1, tại giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2, lý trình Kml+444, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Vị trí 2, tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường Phương Bằng, lý trình Km28+000, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Vị trí 3, tại vị trí giao trục phía Nam tại Km45+700, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Vị trí 4, tại vị trí giao với QL1A cũ tại Km52+600, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín.
Về lễ khởi công, Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cơ quan Thành phố, quận, huyện tiếp tục chuẩn bị kỹ để tổ chức thành công; trên tinh thần bảo đảm lễ khởi công được tổ chức đồng bộ tại 4 điểm, trang trọng, tiết kiệm, ngắn gọn, thực chất, tránh hình thức; cố gắng gói gọn trong khoảng 60 phút.
“Lưu ý, đã khởi công phải làm ngay, đã làm là phải làm liên tục. Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ máy móc, sẵn sàng nguyên vật liệu để tổ chức thi công”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 4 qua địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. (Nguồn: UBND TP Hà Nội) |
Đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát dự án đường song hành. Ban Quản lý dự án cũng đang tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công để tổ chức phê duyệt, triển khai thi công, ngay sau khi khởi công dự án. Các quận, huyện cũng đã bàn giao mặt bằng vị trí khởi công. Từ ngày 18/6, nhà thầu đã tiếp nhận và tổ chức triển khai tạo mặt bằng bãi khởi công công trình. “Đến nay, các khâu chuẩn bị đã bảo đảm đủ điều kiện khởi công công trình trên toàn tuyến”, ông Nguyễn Chí Cường thông tin.
Sau khi khởi công, Ban Quản lý dự án sẽ chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công trên toàn bộ các đoạn đã được các quận, huyện bàn giao mặt bằng. Trước mắt, các nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị, nhân lực, tổ chức thi công ngay các hạng mục đào bóc đất hữu cơ và triển khai các mũi thi công các đoạn tuyến có nền đất yếu, nhằm thực hiện ra tải sớm để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, khi đường Vành đai 4 được đầu tư, hình thành không chỉ mở không gian phát triển riêng cho Hà Nội mà còn cả Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bên cạnh đó, khi đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 thì không gian phát triển cho Thủ đô sẽ rộng mở hơn. Từ đó, Thành phố có điều kiện hút dân ra vùng ngoài để giải quyết những vấn đề đang tồn tại, bức xúc trong nội đô như: Úng ngập, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Đồng thời, có thêm điều kiện để di dời các cơ sở ô nhiễm, các trường đại học, bệnh viện theo chủ trương của Trung ương ra ngoài nội đô để dành thêm quỹ đất phát triển các công trình công cộng, công trình phúc lợi trong nội thành; bảo tồn được di tích văn hóa lịch sử đặc biệt trong vùng nội đô. |