Huy động vốn vay quốc tế đang diễn ra sôi động
Bình tĩnh trước biến động trái phiếu Hợp tác đầu tư bất động sản: Cẩn trọng rủi ro |
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần FiinGroup, trái phiếu bất động sản hiện là tâm điểm của thị trường hiện nay. Tính đến hết tháng 10, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445 nghìn tỷ đồng, tức chiếm gần 34% trong tổng trong tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành và chiếm gần 50% tổng giá trị trái phiếu của các tổ chức doanh nghiệp phi tài chính (đạt hơn 896 nghìn tỷ đồng).
Số liệu cập nhật của FiinRatings cho thấy, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 còn ở mức 21,85 nghìn tỷ đồng.
Theo FiinGroup, tuy số dư trên không lớn nhưng vẫn đến phần nhiều phát hành bởi các doanh nghiệp chưa niêm yết và hầu như không có thông tin tài chính về tổ chức phát hành.
"Chúng tôi kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện trong thời gian sớm, nhất là các trái phiếu nếu được phân phối thứ cấp đến các nhà đầu tư cá nhân. Bên cạnh đó, áp lực vẫn duy trì ở mức đáng kể từ năm 2023 (119,05 nghìn tỷ đồng) và năm 2024 (111,81 nghìn tỷ đồng)", báo cáo FiinGroup nêu quan điểm.
Biểu đồ phân kỳ giá trị đáo hạn của trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản. (Ảnh: Báo cáo FiinGroup) |
Cũng theo báo cáo của FiinGroup, thị trường trái phiếu chứng kiến nhiều hình thức tái cấu trúc nợ khác nhau và được áp dụng ngày càng nhiều bởi các tổ chức phát hành. Một số phương án phổ biến mà FiinGroup ghi nhận bao gồm một hoặc kết hợp một số các hình thức là: Gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới; chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới; chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản.
Đáng chú ý, theo FiinGroup, kênh huy động vốn qua trái phiếu trong nước ảm đạm nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp thành công trong việc thực hiện huy động vốn vay quốc tế. Các giao dịch được công bố gần đây có tổng giá trị 1,1915 tỷ USD. Có thể kể đến như SeABank (200 triệu USD), Chứng khoán Bản Việt (105 triệu USD), Vinfast (135 triệu USD), Tập đoàn Lộc Trời (100 triệu USD), Be Group (100 triệu USD),...
FiinGroup nhận định, việc thành công trong huy động vốn vay quốc tế cho thấy niềm tin của các tổ chức tài chính nước ngoài vào sự tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam nếu như thông tin và hồ sơ tín dụng rõ ràng. Hoạt động huy động vốn vẫn có thể diễn ra và mức độ rủi ro được phản ánh vào lãi suất. Các khoản vay ngoại tệ cũng đã góp phần giải quyết vấn đề áp lực đáo hạn nợ và nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp.