Huy động các nguồn lực tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP
Hà Nội: 20 tỉnh, thành tham gia Tuần hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản Phúc Thọ: Đẩy mạnh xây dựng, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP |
Những năm qua, huyện Mê Linh luôn tập trung tối đa nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ… nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo đó, huyện đã xây dựng được nhiều chuỗi sản xuất với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Điển hình như: Chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả, hoa tại Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt); chuỗi sản xuất và tiêu thụ quả sạch Khánh Phong (xã Tiến Thịnh)...
Sản phẩm ổi lê Đài Loan của Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong vào vụ thu hoạch. (Ảnh minh họa: Lương Hằng) |
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong 6 tháng đầu năm, huyện Mê Linh đã đăng ký 9 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia tập huấn trực tuyến nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh qua mạng. Huyện cũng đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn năm 2022 đối với 20 sản phẩm thuộc 5 nhóm ngành hàng thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ - trang trí, du lịch cộng đồng... của 11 chủ thể.
Đáng chú ý, huyện đã ban hành Đề án thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 với định hướng phát triển không chỉ đáp ứng yêu cầu về số lượng, mà còn gia tăng về giá trị để từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến xuất khẩu.
Trong đó, mục tiêu đề ra mỗi năm sẽ phát triển, nâng cấp, đánh giá phân hạng từ 20 - 30 sản phẩm OCOP trở lên; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý sản phẩm OCOP; tổ chức thường niên các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế; giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP định kỳ thông qua việc kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm chất lượng; nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP thông qua việc áp dụng và chứng nhận chất lượng theo các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và quốc tế.
Thông tin về kết quả thực hiện đề án, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Trọng Phan cho biết, năm 2021, huyện tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện, phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, kinh doanh hoàn thiện bao bì nhãn mác cho 35 sản phẩm đã được đánh giá phân hạng trong năm 2020. Đồng thời, tiến hành đánh giá, phân hạng cho 20 sản phẩm hiện mới và đề nghị Thành phố công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao của 4 chủ thể.
Nhằm đưa sản phẩm OCOP tới gần hơn với người tiêu dùng, huyện đã hỗ trợ xây dựng 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội; Sở Công Thương Hà Nội; Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cùng các đơn vị liên quan lồng ghép các nội dung, huy động thêm nguồn lực vào thực hiện các chương trình OCOP hyện Mê Linh.
Phát huy những kết quả đạt được, trong những tháng cuối năm 2022, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, từ đó huy động sự vào cuộc của các chủ thể và đông đảo tầng lớp nhân dân.
Cùng với phát triển sản phẩm OCOP, huyện cũng sẽ chú trọng xây dựng điểm giới thiệu, bán hàng; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa nông sản, hàng hóa của các chủ thể vào hệ thống phân phối. Thông qua các hoạt động trên đưa sản phẩm thế mạnh của huyện đến tay người tiêu dùng, khẳng định chất lượng của các sản phẩm OCOP huyện Mê Linh.