Phúc Thọ: Đẩy mạnh xây dựng, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Kinh tế khởi sắc, thu ngân sách do ngành Thuế quản lý tiếp tục tăng Hà Nội giới thiệu hơn 150 sản phẩm sơn mài, khảm trai tiêu biểu Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,9% |
Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 60 làng có nghề, trong đó 5 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận. Cùng với đó, Phúc Thọ có đặc thù địa hình đa dạng miền bãi, đồng, ven sông, đồi gò, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp cả về trồng trọt lẫn chăn nuôi.
Các sản phẩm đặc trưng của huyện Phúc Thọ được giới thiệu tại Tuần hàng, tư vấn và bán sản phẩm OCOP năm 2022. |
Huyện Phúc Thọ xác định trong xây dựng nông thôn mới phải đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Qua đó, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đặc biệt là bảo vệ được quyền bảo hộ, tiêu dùng sản phẩm cho quê hương.
Năm 2019, huyện Phúc Thọ có 8 sản phẩm được Hội đồng thẩm định Chương trình OCOP thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng, trong đó có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao như: Trứng gà; chuối Vân Nam…; năm 2020, huyện có hơn 20 sản phẩm đạt tiêu chí; năm 2021 huyện có thêm 25 sản phẩm đạt tiêu chí.
Bên cạnh đó, hiện huyện Phúc Thọ đã xây dựng được nhiều sản phẩm nông sản lợi thế trên cơ sở quy hoạch phát triển vùng chuyển đổi tập trung, phần lớn các sản phẩm chủ lực đều được cấp nhãn hiệu tập thể, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Hiện huyện đang phát triển nhiều nghề mới có hiệu quả kinh tế như nghề chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ các loại, mỗi làng có nghề đã và đang tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương thu nhập ổn định từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.
Song song với việc hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP, huyện Phúc Thọ cũng tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm, sử dụng sản phẩm OCOP như tổ chức nhiều đợt quảng bá, giới thiệu sản phẩm; khai trương, mở điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đặt tại các địa phương.
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm truyền thống của huyện Phúc Thọ tại Tuần hàng, tư vấn và bán sản phẩm OCOP năm 2022. |
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Ngày thành lập huyện Phúc Thọ (1822-2022), công bố quyết định huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, UBND huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức Tuần hàng, tư vấn và bán sản phẩm OCOP năm 2022.
Tại Tuần hàng, có 50 gian hàng trưng bày sản phẩm của huyện bao gồm các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của 21 xã, thị trấn; gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP; gian các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và gian sản phẩm làng nghề và ẩm thực. Các sản phẩm tham gia đều có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Thông qua việc tổ chức Tuần hàng đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP sản xuất cung ứng sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng để đẩy mạnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, giá cả phù hợp.
Qua hoạt động này cũng giúp cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường.