Đưa vào "tầm ngắm" 212 doanh nghiệp rủi ro cao về hoàn thuế GTGT
[Infographics] Những dấu hiệu doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn, hoàn thuế GTGT Gỡ vướng trong thực hiện giảm thuế GTGT xuống 8% |
Theo ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác thanh kiểm tra, chống gian lận trong hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) là nội dung được Cục Thuế Hà Nội đánh giá có nhiều rủi ro và cần tập trung chỉ đạo thực hiện.
Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết, thuế GTGT là sắc thuế quan trọng, chiếm trên 30% số thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm của Cục. Cụ thể, năm 2021 là 46.726 tỷ đồng, chiếm 32,6% thu; 6 tháng đầu năm 2022 là 23.792 tỷ, chiếm 31,3%.
Cùng với đó thì số hồ sơ và số thuế GTGT đề nghị hoàn cũng rất lớn. Năm 2021, số thuế GTGT đã hoàn là 9.266 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2022 (tính đến ngày 24/6/2022), Cục thuế Hà Nội cũng đã giải quyết 488 hồ sơ hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế đã hoàn là 2.323 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hoàn xuất khẩu (chiếm trên 73% số lượng hồ sơ và 92% về số tiền đã hoàn).
Trong thời gian vừa qua, Cục đã bám sát các nội dung chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống gian lận trong hoạt động này.
Cụ thể, chủ động thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình sản xuất kinh doanh – nộp ngân sách nhà nước – lịch sử hoàn thuế đối với 1004 doanh nghiệp xuất khẩu có hoàn thuế GTGT phục vụ cho công tác đánh giá rủi ro, xác minh, đối chiếu.
Tập trung phân tích, đánh giá và theo dõi thường xuyên đối với 212 doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng rủi ro cao theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế như: hàng hóa tiêu dùng, linh kiện điện tử, máy tính, nông, lâm sản (bột sắn, dăm gỗ, gỗ ván...).
Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu, nhận diện rủi ro hoàn thuế Giá trị gia tăng |
Cục Thuế Hà Nội cũng đã thống kê các rủi ro hoàn thuế GTGT phổ biến trên địa bàn để quán triệt, phổ biến dấu hiệu nhận diện, phương pháp đấu tranh – xử lý hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT; xây dựng và áp dụng Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ hoàn thuế GTGT…
Ngoài ra, thu thập thông tin – đối chiếu, xác minh dữ liệu kê khai – khấu trừ – hoàn thuế của các doanh nghiệp giai đoạn 2018 – 2020 (bao gồm cả các doanh nghiệp đã được thanh tra – kiểm tra hoàn thuế). Qua đó phát hiện 134 doanh nghiệp hoàn thuế có sử dụng hóa đơn mua vào của các doanh nghiệp đã có thông báo của cơ quan thuế về việc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh với giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào là 328 tỷ đồng, thuế GTGT tương ứng là 20,6 tỷ đồng.
Qua rà soát hồ sơ và đấu tranh đã điều chỉnh giảm, thu hồi 5,1 tỷ đồng thuế GTGT.
Cục Thuế Hà Nội cũng đã đề xuất Tổng cục Thuế thực hiện thủ tục xác minh với cơ quan thuế nước ngoài 30 lượt doanh nghiệp hoàn thuế có rủi ro.
Bên cạnh việc chủ động khai thác dữ liệu tờ khai hàng hóa xuất khẩu trên hệ thống thông tin Hải quan để đối chiếu 100% tờ khai hải quan do doanh nghiệp xuất trình...
Cục Thuế cũng đã tổ chức đầy đủ việc xác minh thông tin hóa đơn đầu vào (F1; F2...), xác minh nguồn gốc - xuất xứ hàng hóa đối với các mặt hàng hoàn thuế có rủi ro cao; xác minh giao dịch qua ngân hàng và phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với cơ quan công an trong công tác chống gian lận hoàn thuế GTGT...
Triển khai Chuyên đề thanh tra sau hoàn thuế đột xuất đối với 110 DN hoàn thuế và triển khai Kế hoạch thanh tra – kiểm tra năm 2022 đối với 126 DN khác bên cạnh việc tăng cường kiểm tra tại bàn thường xuyên, liên tục đối với các doanh nghiệp phát sinh âm thuế GTGT.
Kết quả tháng 6 tháng năm 2022, đã thực hiện được 143 quyết định thanh tra kiểm tra trước và sau hoàn thuế GTGT, qua đó giảm số thuế được hoàn 24 tỷ đồng và truy hoàn - xử phạt sau thanh kiểm tra 1,4 tỷ đồng.
Theo Cục Thuế Hà Nội, công tác thuế 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn Thành phố đạt được kết quả tích cực. Tổng số thu ngân sách 6 tháng đầu năm trên địa bàn ước thực hiện 164.876 tỷ đồng , đạt 58,5% dự toán pháp lệnh, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó thu từ sản xuất kinh doanh tiếp tục là động lực chính, ước đạt 59,7% dự toán, tăng 24,2% so cùng kỳ năm 2021; thu từ các khoản thuế phí khác ước đạt 61,4% dự toán, tăng 29,1% so cùng kỳ. Trong đó thuế TNCN đạt 74,9% dự toán và tăng 24,6% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng thu thuế TNCN từ chứng khoán, bất động sản.
Theo Hà Loan/anninhthudo.vn