Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn
Theo ước tính sơ bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh đạt khoảng 46 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Dương ước đạt 10.514 triệu USD, tăng 6,6% (tương đương 2,8% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước). Hải Dương là tỉnh đứng thứ 7 trong 10 tỉnh, thành phố có xuất siêu lớn nhất trong toàn quốc. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Hải Dương với kim ngạch trung bình chiếm 33,5%.
Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn (Đồ họa: BT) |
Tại Hội nghị đối thoại “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, những kết quả trên cho thấy cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã có những nỗ lực vượt bậc với tinh thần chủ động vượt qua thách thức để có đóng góp quan trọng vào thành tích chung của hoạt động thương mại quốc tế.
Ở cấp địa phương, chính quyền các tỉnh, thành phố cũng có những cố gắng đáng ghi nhận trong cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh. Dù đã đạt được nhiều thành công và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, song thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo kết quả đánh giá “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu” do VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan và Dự án Tạo thuận lợi thương mại của USAID công bố vào tháng 7/2021, khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước tình trạng này, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng việc doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào hoạt động đối thoại, góp ý chính sách là rất quan trọng. Điều này sẽ góp phần tạo ra các quy định pháp luật gắn với thực tiễn, giảm các chi phí tuân thủ và từ đó thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, VCCI đề xuất cần thúc đẩy sự tương tác trực tiếp và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu; tập trung tháo gỡ các khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp tại 4 tỉnh Đông Bắc Bộ này.
Với lĩnh vực hải quan, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), thông tin: Tổng cục Hải quan đã nỗ lực cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật… nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho các hoạt động thương mại quốc tế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Mục tiêu của ngành hải quan sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Bảo Thoa