Để có việc làm bền vững, lao động trẻ cần rèn luyện kỹ năng mềm
Giỏi dùng app, thiếu kỹ năng làm việc
Kỹ năng mềm (Soft Skills) hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội là thuật ngữ dùng để chỉ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống của chúng ta như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và hợp tác, kỹ năng quan sát, khả năng thích nghi, kỹ năng quản lý thời gian.
Kỹ năng mềm không thể hình thành thông qua việc chỉ học lý thuyết. Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, đọc, tìm hiểu các kiến thức rồi tìm cách ứng dụng, cải tiến vào cuộc sống thường ngày. Trong thời kỳ kinh tế hội nhập 4.0, người lao động không chỉ cần kiến thức, kỹ năng nghề tốt, mà còn cần có kỹ năng mềm cũng như thái độ sống, thái độ làm việc tích cực.
Trần Nhã An (23 tuổi) ở Hà Nội vừa bị “out” khỏi công ty sau 3 tháng thử việc. Nhã An cho biết, cô tốt nghiệp một trường đại học có tiếng ở Hà Nội với tấm bằng khá. Lúc đi xin việc, cô rất tự tin với “hồ sơ” ứng tuyển của mình. Cô được nhận vào thử việc ở vị trí marketing của một công ty. Tuy nhiên trong quá trình làm việc cô luôn gặp khó khăn và cảm thấy áp lực vì giao tiếp khó khăn.
Lao động trẻ hiện nay còn thiếu kỹ năng mềm. (Ảnh minh họa: BT) |
“Đa phần là tôi thiếu khả năng quan sát, không hiểu ý khách hàng, không kịp phản ứng với các tình huống khiến cho khách hàng không hài lòng. Tôi bị khiển trách 2 lần trong tháng đầu tiên khi thử việc, tôi phải nỗ lực vào các tháng sau đó để vượt qua thời gian thử việc, nhưng không thành công. Tôi quyết định sẽ đi học một khóa kỹ năng giao tiếp trước khi đi phỏng vấn ở một công ty khác”, Nhã An chia sẻ.
Mặc dù dùng điện thoại công nghệ, thực hiện các kỹ năng liên quan đến mạng xã hội rất thành thạo, nhưng khi làm việc tại một công ty, Trần Tuấn Đạt (23 tuổi) đã không thể giao tiếp qua điện thoại khi hỗ trợ khách hàng gọi đến đường dây nóng của công ty.
Chia sẻ về điểm yếu này, Tuấn Đạt cho biết, anh học ngành kỹ thuật, quan tâm nhiều đến nghiên cứu và sách vở, việc giao tiếp với bên ngoài chỉ trong khuôn khổ người quen và bạn bè cho nên bản thân anh cũng không biết mình thiếu kỹ năng mềm. Chính vì vậy khi đi làm công việc cần hỗ trợ khách hàng, khả năng giao tiếp kém đã khiến khách hàng phật ý, không dùng dịch vụ phần mềm của công ty.
Đối mặt với quá trình đào thải
Tại buổi đối thoại “Sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng việc làm cho lao động trẻ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuận, nguyên Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội cho biết, người trong độ tuổi lao động hiện nay là 50,7 triệu người, chiếm 69% dân số. Tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 70% nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ nghề nghiệp. Mỗi năm có khoảng 1,5-1,6 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động.
Song dự báo, đến năm 2026 có khoảng 40% người lao động kỹ năng không còn phù hợp với công việc hiện tại, 30% người lao động buộc phải chuyển nghề. Việc nâng cao kỹ năng cho người lao động cần được đặt ra, khi con số khảo sát cho thấy, ứng viên vào các vị trí như cán bộ chuyên môn, kỹ thuật viên, thợ thủ công trong doanh nghiệp đa số thiếu kỹ năng cần thiết, với tỷ lệ lần lượt là 80%, 83% và 40%.
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Nam Khánh Giao, Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng cho rằng, hiện nay các chương trình đào tạo kỹ năng nặng về lý thuyết. 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm. 37% sinh viên không tìm được việc làm phù hợp do kỹ năng yếu, 40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc, 41% cần thời gian làm quen với công việc, 50% lao động tốt nghiệp phổ thông không có kỹ năng họ cần; lao động tốt nghiệp đại học cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, 13% phải được đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng.
Các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam cũng từng nhận định, lao động Việt Nam quá thiếu các kỹ năng mềm phục vụ công việc. Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài phải đào tạo lại trước khi sử dụng. 80% nhân viên văn phòng ở Việt Nam thiếu kỹ năng.
Các chuyên gia cũng nêu thực tế, giới trẻ còn quá thiếu kỹ năng mềm để đồng hành cùng doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong hướng dẫn lao động trẻ làm việc, giao tiếp. Đơn giản là trình bày file word hay excel, cũng phải có người "cầm tay chỉ việc" cho lao động trẻ.
Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, ngoài kỹ năng cứng, kỹ năng mềm quyết định tới 75% sự thành công của người lao động. Kỹ năng cơ bản, cần thiết nhất với lao động là giao tiếp để người khác hiểu ý mình, phối hợp làm việc nhóm, tạo dựng quan hệ với đối tác, tư duy sáng tạo, công nghệ thông tin, cập nhật kiến thức mới, nhưng nhiều lao động không đáp ứng được.
Bà Lesley Miller, Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng cho biết, nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, nhiều thanh niên thiếu các kỹ năng số và kỹ năng chuyển đổi số và tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ vị thành niên từ 15 -18 tuổi. Việc xây dựng các kỹ năng mềm từ khi còn trẻ, như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp sẽ giúp thanh niên trở thành những người có khả năng thích ứng và linh hoạt, đồng thời bổ trợ quan trọng cho các kỹ năng cụ thể trong công việc. Các doanh nghiệp có thể đóng vai trò dẫn dắt, thông qua xác định và giải quyết các tác động của họ đối với trẻ em, đưa vấn đề quyền trẻ em vào chương trình hành động vì sự phát triển bền vững. |
Bảo Thoa