Đẩy nhanh cho vay vốn xây dựng nhà ở: Giúp người thu nhập thấp an cư
Hướng dẫn kinh phí hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo Bắt tay gỡ vướng chính sách để đạt 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội |
Nhu cầu an cư lớn
Chị Nguyễn Thu An (quê Yên Bái) – công nhân trong một công ty may mặc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long chia sẻ, gia đình chị mới mua được một căn hộ NƠXH tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) gần với nơi làm việc, gia đình rất vui mừng vì đã ổn định chốn an cư. “Gia đình tôi hiện có 4 người, gần 10 năm làm việc tại khu công nghiệp chúng tôi đều phải ở nhà thuê. Năm 2020, sau khi được xét duyệt vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi đã mua được căn nhà trả góp trong vòng 16 năm, gia đình rất phấn khởi” – chị An nói.
Cần đẩy nhanh tiến độ cho vay vốn các dự án NƠXH giúp người dân tạo lập chỗ ở (Ảnh: Hải Linh). |
Tuy nhiên, trên thực tế không phải gia đình nào cũng có nhiềm vui tương tự, nhất là với người trẻ, thu nhập thấp, vì giá nhà tại nhiều dự án vượt quá khả năng chi trả của công nhân lao động và người thu nhập thấp đặc biệt ở các đô thị. Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở giá rẻ, NƠXH, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đang chiếm tới trên 70% nhu cầu của thị trường, nhưng thực tế, trong thời gian gần đây, việc triển khai xây dựng những dự án nhà ở thuộc phân khúc này gặp nhiều khó khăn, do thiếu nguồn vốn đầu tư, vướng mắc về thủ tục pháp lý, cơ chế... khiến cho hàng trăm dự án bị đình trệ không thể triển khai.
“Kết quả phát triển NƠXH mặc dù đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng NƠXH; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp…” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhìn nhận.
Trong cả giai đoạn 2010 – 2020, nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp cần khoảng 12,5 triệu mét vuông sàn, nhưng thực tế, mới triển khai xây dựng và hoàn thành được trên 5 triệu mét vuông. Hay đơn cử như tại địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2016 – 2020 nhu cầu NƠXH khoảng 5,5 triệu mét vuông sản, toàn TP có 79 dự án, nhưng mới hoàn thành, đưa vào sử dụng 25 dự án với khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn, còn lại 52 dự án, quy mô trên 4,2 triệu mét vuông sàn vẫn đang trong quá trình triển khai. Tương tự, nhà tái định cư, mục tiêu phát triển 1,2 triệu mét vuông chỉ thực hiện được 371.000 mét vuông.
Kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm 2021 - 2025 đã được HĐND TP Hà Nội thông qua, xác định nhu cầu NƠXH đến 2030 trên địa bàn toàn TP là khoảng 6,8 triệu mét vuông sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ, vốn xây dựng vào khoảng 12.500 tỷ đồng. Như vậy, TP Hà Nội đang cần một nguồn vốn đầu tư lớn, bao gồm cả vốn ngân sách và huy động ngoài xã hội để hiện thực hóa mục tiêu trên.
Đẩy nhanh tiến độ cho vay
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội cho biết, căn cứ theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP đã ban hành danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay giai đoạn 2021 - 2025 từ Quỹ đầu tư phát triển TP. Trong đó, lĩnh vực nhà ở có: Đầu tư xây dựng chung cư cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao, khu kinh tế; Đầu tư khu vực phát triển đô thị, xây dựng NƠXH, nhà ở tái định cư, cải tạo chung cư cũ; xây dựng ký túc xá sinh viên và xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội... tổng nguồn vốn cần để phát triển nhà ở giai đoạn này khoảng 437.000 tỷ đồng (trong đó có NƠXH - PV).
Đến thời điểm hiện tại, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao các nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch 5 khu NƠXH tập trung với tổng quy mô khoảng 272,45 ha đất. Trong đó, 2 khu được phê duyệt quy hoạch chi tiết là Khu nhà NƠXH trung, xã Tiên Dương và Khu NƠXH Thành phố kết nối xanh - Green Link City, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh); 3 khu còn lại, gồm: Khu NƠXH tập trung xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm); Khu NƠXH tập trung, xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) và Khu NƠXH tập trung, xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) đang nghiên cứu lập quy hoạch và nhiệm vụ quy hoạch chi tiết. |
“Để đạt được mục tiêu trên, việc huy động được nguồn vốn xã hội phù hợp ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng của các dự án nhà ở, nhất là dự án NƠXH, nhà ở tái định cư là rất quan trọng. Nguồn vốn của Quỹ đầu tư phát triển sẽ thực hiện vai trò vốn mồi, chiếm khoảng 20 - 30% tổng mức đầu tư của dự án, đồng thời kêu gọi nguồn vốn khác từ ngân hàng thương mại chiếm khoảng 50 - 60% tổng mức đầu tư thông qua hình thức hợp tác” – ông Nguyễn Thanh Hải cho hay.
Cũng theo đại diện Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội, thời gian qua, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng việc giải ngân nguồn vốn cho các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP vẫn được đẩy mạnh. Cụ thể, thông qua Quỹ đầu tư phát triển, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ký kết 4 thỏa thuận hợp tác cho vay với giá trị gần 1.400 tỷ đồng, tiếp cận 12 chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn nhà ở. Thực hiện cho vay 4 dự án NƠXH và tái định cư với tổng số tiền là 811 tỷ đồng, góp phần lớn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn điều lệ qua các năm.
“Với lợi thế về nguồn vốn cho vay đến năm 2025 khoảng 4.370 tỷ đồng, lãi suất cho vay 5,96%/năm, được duy trì trong suốt thời gian vay vốn dự án. Quỹ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cho vay và rất mong được đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô” - Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển TP Hà Nội, Nguyễn Thanh Hải nói.
Theo Doãn Thành/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/day-nhanh-cho-vay-von-xay-dung-nha-o-giup-nguoi-thu-nhap-thap-an-cu.html