Đẩy mạnh hạ tầng, "chìa khóa" phát triển cho Thủ đô
Hợp long cầu Vĩnh Tuy 2: Dấu mốc quan trọng cho sự phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô Xe buýt “kém sang” vì hạ tầng yếu Đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông |
Hệ lụy từ việc hạ tầng quá tải
Ùn tắc giao thông là một trong những vấn đề nhức nhối của Thủ đô. Vào khung giờ cao điểm, không khó để chứng kiến những cung đường ken đặc xe cộ, nối đuôi nhau di chuyển từng chút một.
Theo ghi nhận, tại khung giờ cao điểm từ 7 - 9h và từ 17h - 19h, tại các tuyến đường như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Ngã Tư Sở, Phạm Văn Đồng... các phương tiện di chuyển khó khăn. Tại những cung đường này, mật độ phương tiện giao thông lớn nên tình trạng giao thông ùn tắc cục bộ thường xuyên diễn ra.
Ùn tắc giao thông vẫn là câu chuyện nan giải tại Thủ đô. |
Theo ước tính, hệ thống hạ tầng của Thủ đô đang gánh khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy. Chưa kể, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác.
Việc quá tải về giao thông tại Hà Nội còn được thể hiện qua các con số như: Cầu Thanh Trì có 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Các tuyến đường: Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng..., vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện cũng vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế. Nút Ngã Tư Sở lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ, nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Dù ùn tắc có những diễn biến phức tạp, tuy nhiên theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội “bức tranh” giao thông Hà Nội vẫn có những gam màu sáng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm đơn vị này xử lý được 5/37 điểm đen ùn tắc gồm: Nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Đại La - Trần Đại Nghĩa, Ngã Tư Vọng, nút giao Sa Đôi - đường 70 và nút Ngã Tư Sở - Láng. Đồng thời, để giải quyết ùn tắc giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã và đang tập trung vào những nhóm giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch; tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường Vành đai; các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6; trục Tây Thăng Long các tuyến đường có tính kết nối, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực, đây là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài. |
Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị đạt khoảng 10,3% (yêu cầu của Quy hoạch số 519 là từ 20 - 26%), tỷ lệ tăng bình quân hằng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Trong khi tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 2,48%/năm. Việc mất cân đối giữa dân số, số lượng phương tiện và tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông là một sự bất cập.
Đánh giá trên góc độ cơ quan giám sát hoạt động này, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên nhận định, thực trạng hệ thống giao thông đô thị của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, các tuyến đường chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch, hiện tượng ùn tắc giao thông tại các khu vực nội đô xảy ra thường xuyên trong những giờ cao điểm…
Từng bước hoàn thiện
Thực tế, từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội đã thông xe, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông quan trọng, phát huy mục tiêu hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch và giảm ùn tắc giao thông hiệu quả. Trong số này, có các công trình như: Đường Vành đai 3 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy, cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch… Mới đây nhất, ngày 30/8, Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 đã chính thức khánh thành trong niềm hân hoan của nhân dân Thủ đô trước dịp Quốc Khánh.
Lực lượng chức năng phân luồng, giảm ùn tắc giao thông. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt, có mật độ dân cư lớn, lưu lượng tham gia giao thông ngày một tăng cao; trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông chung của Thành phố vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống hạ tầng khung bao gồm các đường vành đai, các trục hướng tâm chưa được khớp nối, liên thông đồng bộ... Do đó, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là hết sức cần thiết.
Được biết, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khởi công tháng 1/2021, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỉ đồng. Cầu có điểm đầu cầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên). Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bắc qua sông Hồng dài 3,5km, rộng 19,25m. Với việc hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố; Giải quyết áp lực cho các tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3; Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch.
Bên cạnh “bức tranh” với gam màu sáng nói trên, thời gian qua trên các tuyến đường của Thủ đô có thể thấy Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc ở phạm vi cục bộ. Phương án xén vỉa hè, mở rộng đường, điều chỉnh nút giao, đèn tín hiệu ở các “điểm nóng”, các tuyến giao thông trọng điểm như: Láng, Vành đai 3, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… cũng đang phát huy những hiệu quả nhất định.
Trục đường Láng là ví dụ. Nếu như trước đây, nhiều điểm giao cắt thuộc trục đường này di chuyển khá khó khăn thì nay, thông qua việc mở rộng lên 4 - 6 làn xe, hiện tượng ùn tắc kéo dài đã giảm thiểu.
Hạ tầng giao thông Thủ đô ngày càng được đồng bộ. |
Trở lại câu chuyện đẩy mạnh phát triển hạ tầng Thủ đô, ông Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Hà Nội mới, thành viên Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, cần cấp bách tháo gỡ chính sách để hoàn thiện nốt các tuyến đường Vành đai đang còn dang dở như Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 3.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, giao thông đô thị ở Hà Nội luôn “nóng” và giải pháp cần xác định tầm quan trọng của quy hoạch không gian, trong đó tổ chức thực hiện giao thông phải đi trước một bước; tránh việc hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đi sau, dẫn đến việc ùn tắc hiện nay. Việc cấp bách Hà Nội cần cụ thể hóa chủ trương phát triển hạ tầng đồng bộ.
Rõ ràng, quanh câu chuyện giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội, cái gốc của vấn đề đã phần nào được chỉ rõ. Tuy nhiên, để xử lý được vấn đề thì cần có một chiến lược quy hoạch đô thị mở và một giải pháp phát triển hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông công cộng đồng bộ. Chỉ trên cơ sở quản lý đô thị hiện đại, khoa học, đúng tầm, bài toán ùn tắc giao thông mới được giải quyết một cách căn cơ, bền vững.
Theo Kế hoạch số 195/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Hà Nội đặt mục tiêu hằng năm xử lý từ 8 đến 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông. Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị tăng từ 0,25-0,3% (tổng diện tích đất dành cho giao thông năm 2023 đạt 10,65% đất xây dựng đô thị). Đặc biệt, Hà Nội sẽ rà soát xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch và kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của thủ đô gắn với quy hoạch giao thông vận tải của cả nước và vùng Thủ đô. Huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc giao thông. |