Xe buýt “kém sang” vì hạ tầng yếu
Hà Nội lên phương án triển khai vé liên thông các loại hình vận tải công cộng |
Hạ tầng xe buýt bị lấn chiếm, xuống cấp
Khảo sát nhanh tại một số nhà chờ, điểm dừng đỗ xe buýt trên địa bàn Hà Nội, không khó để thấy hình ảnh hàng quán, biển quảng cáo lấn chiếm không gian. Cụ thể, tại nhà chờ xe buýt đối diện Trường Đại học Y Hà Nội trên phố Tôn Thất Tùng, người dân vô tư bày bán hoa quả, thậm chí còn kê ghế ngay trong khuôn viên nhà chờ, chiếm dụng chỗ dừng chờ của hành khách đi xe buýt.
Là người thường xuyên đi xe buýt, anh Thanh Tùng, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, anh cảm thấy rất khó chịu khi một số nhà chờ bị hàng quán lấn chiếm, bày bán tràn lan xung quanh các điểm chờ xe buýt. “Những hàng quán này nhiều lúc còn bán tràn ra vỉa hè, lúc đó tôi đành phải đứng ra mép đường chờ xe buýt tới, vì còn chỗ đâu mà ngồi”, anh Tùng bức xúc.
Hành khách đi xe buýt “len lỏi” giữa các xe chở rác đô thị. |
Điều này cũng xảy ra tương tự tại điểm dừng đỗ xe buýt trước cổng Trường Đại học Giao thông Vận tải (quận Cầu Giấy), điểm chờ Trường Đại học Ngoại Thương và các điểm dừng, nhà chờ xe buýt trên các tuyến đường lớn như Đê La Thành, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, đường Yên Phụ… Thậm chí tại điểm dừng xe buýt ngõ 293 Lĩnh Nam, cột biển báo đã bị mất lâu nay, khiến nhiều hành khách lầm tưởng không phải điểm dừng đón, chỉ khi xe buýt dừng lại theo thói quen thì người dân mới nắm được thông tin.
Một vấn đề nữa cũng cần nhắc đến đó là nhiều điểm dừng, chờ xe buýt nằm sát ngay điểm tập kết rác thải của cả một khu vực như trên đường Láng, phố Khâm Thiên… khiến nhiều hành khách không khỏi quan ngại. “Đứng chờ xe buýt mà được khuyến mãi thêm cái mùi ngái ngái của rác, tôi cảm thấy rất khó chịu”, chị Phương Anh, quận Đống Đa chia sẻ.
Số liệu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, hiện Hà Nội có khoảng hơn 3.800 điểm dừng, 361 nhà chờ xe buýt. Trong số này, có rất nhiều điểm dừng, nhà chờ xe buýt thường xuyên bị lấn chiếm không gian. Đáng chú ý, tại nhiều điểm dừng bị lấn chiếm, cơ quan chức năng đã xử phạt người vi phạm nhiều lần nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Thậm chí, tại một số nơi, người dân còn tự ý xê dịch điểm dừng trước cửa nhà mình để tiện cho việc trông xe, bán nước; một số cột trụ tại điểm dừng bị nhấc lên cắm xuống, không còn đảm bảo độ chắc chắn.
TS Phan Lê Bình, Chuyên gia giao thông, Giảng viên trường Đại học Việt Nhật cho rằng: Ưu tiên cho xe buýt không chỉ là ưu tiên khi hoạt động trên đường, mà điểm dừng, nhà chờ cũng cần được lưu tâm. Hà Nội hiện có rất nhiều vị trí chờ xe buýt nằm cạnh điểm tập kết rác thải, hàng quán, rất mất vệ sinh. Thậm chí, vỉa hè để tiếp cận điểm dừng xe buýt cũng bị lấn chiếm. Cần khảo sát, điều chỉnh lại các điểm dừng để bảo đảm hợp lý hơn.
Song song với việc cải thiện hạ tầng, các cơ quan quản lý cũng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác như tổ chức lại giao thông, tổ chức các bãi đỗ xe, trong đó có khu vực trung tâm thành phố để thuận tiện hơn cho người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ngành Giao thông vận tải Hà Nội cần tập trung rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả các tuyến xe buýt để có sự điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận của người dân; chú trọng điều chỉnh hướng tuyến, tránh ùn tắc, thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng.
Cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, trung bình mỗi năm có khoảng 4.000 lượt điều chỉnh thông tin, vị trí hoặc thu hồi các điểm dừng xe buýt, 80 lượt điều chỉnh lộ trình... Tuy nhiên, số lượng nhà chờ, điểm dừng xe buýt bị xâm phạm thì không thống kê kịp vì rất nhiều và tình trạng tái phạm diễn ra liên tục.
Ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, muốn giải quyết được tình trạng lấn chiếm hạ tầng hỗ trợ xe buýt thì cần có sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương. Cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò, trách nhiệm quản lý của ngành Giao thông Vận tải, lực lượng Thanh tra giao thông và đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương.
Trong khi đó, lực lượng thanh tra Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố Hà Nội đã nhiều lần ra quân xử lý các hành vi lấn chiếm, xâm hại hạ tầng giao thông dành riêng cho xe buýt như tạm giữ xe vi phạm, tịch thu biển quảng cáo, xử lý hành chính... Tuy nhiên, sau khi bị xử lý một thời gian thì nhiều cá nhân lại tiếp tục vi phạm. Từ thực tế đó, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn, nâng cao mức xử phạt hành chính cũng như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, quy định bảo vệ hạ tầng xe buýt.
Trong khi đó, tại Quyết định số 34/2022/QĐ-UBND, ngày 10/10/2022 về tổ chức quản lý và khai thác hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trong đó, vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong bảo vệ hạ tầng xe buýt được quy định rất rõ. Theo đó, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bảo vệ hạ tầng xe buýt (PV - điểm trung truyển, điểm dừng, biển báo, nhà chờ đặt). Bên cạnh đó, địa phương cũng có trách nhiệm trong việc hỗ trợ và phối hợp với Sở Giao thông vận tải, lực lượng thanh tra giao thông trong việc xử lý các vi phạm xâm hại đến hạ tầng xe buýt.
Với các quy định cụ thể như vậy, rõ ràng vai trò của chính quyền địa phương trong đảm bảo hạ tầng xe buýt gồm: Các điểm trung truyển, điểm dừng, biển báo, nhà chờ đặt… là rất quan trọng. Mong rằng, cùng với chiến dịch ra quân lập lại trật tự đô thị, tình trạng lấn chiếm hạ tầng xe buýt sẽ sớm được xử lý triệt để, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp cho xe buýt Thủ đô.
Tuấn Dũng