Đại biểu Quốc hội: Giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua là vô lý và bất thường
Quốc hội nhất trí tăng 30% lương cơ sở, 15% lương hưu từ 1/7 Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế tại Kỳ họp thứ 8 |
Cần kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất
Sáng 28/10, Quốc hội đã thảo luận về kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn tỉnh Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhìn nhận, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã rất quyết liệt, đã tổ chức nhiều hội nghị, nhiều cuộc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo đại biểu, giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao thời gian qua, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn tỉnh Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu nêu rõ, tại buổi họp báo ngày 17/10 vừa qua, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua là vô lý và bất thường. Từ đầu năm đến nay, giá đất bất động sản, giá nhà đất liên tục tăng cao ở tất cả các phân khúc, từ chung cư đến nhà liền kề, đến biệt thự.
Tình trạng này không chỉ các khu vực trung tâm mà sức nóng còn lan sang các quận, huyện vùng ven đô, nhất là sự tăng giá đột biến ở các chung cư (cả chung cư mới và cũ), tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời gian trước đây.
Bên cạnh đó, còn nóng lên câu chuyện đấu giá đất ở một số huyện ven đô, lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, tương đương với đất dự án đã được đầu tư hạ tầng và liên tục thiết lập mặt bằng mới, vượt xa thu nhập của đại bộ phận người dân.
Nữ đại biểu cho rằng, tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua. Thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng khi đấu giá đất là đẩy giá đất lên cao, nhưng khi nộp tiền lại bỏ cọc, nhằm thiết lập giá mới lại khu vực họ đã mua gom trước đó hòng trục lợi.
Bên cạnh đó, tồn tại tâm lý của một bộ phận người dân mua nhà đất để chờ tăng giá, mỗi khi “sốt” nhà đất, tâm lý mua gom của người dân tăng cao, thậm chí không ít người còn đi vay mượn mua nhà đất chờ tăng giá.
“Hiện tồn tại sự mất cân đối trong phân khúc căn hộ, dư thừa căn hộ cao cấp, thiếu căn hộ bình dân dành cho nhiều người lao động. Nhiều người dân cần nhà ở thực sự khó có thể mua nhà, người có tiền thì găm vào đất để tìm kiếm lợi nhuận” - đại biểu nói.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại để phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay, và nếu như thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án này. Cùng với đó, kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải. Ảnh: Quốc hội |
Khó có khả năng hoàn thành Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải nhìn nhận, mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” sau 8 năm (2015 - 2023) thực hiện mới có 373/800 dự án hoàn thành với quy mô đã xây dựng được 193.920 căn hộ.
“Nếu so với mục tiêu đến năm 2025 mới chỉ đạt 45,3% và so với mục tiêu đến năm 2030 mới chỉ đạt 18,2%, như vậy cho chúng ta thấy mục tiêu của dự án đến năm 2025 và đến năm 2030 là rất khó có khả năng hoàn thành, nếu chúng ta không có giải pháp đột phá”, đại biểu đoàn Thanh Hóa nhấn mạnh.
Đánh giá báo cáo đã nêu rất cụ thể về những tồn tại, nguyên nhân và có nhiều kiến nghị sâu sắc, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo kết quả giám sát, thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu.
Do công tác ban hành chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội tuy là tương đối đầy đủ, nhưng thiếu ổn định, có nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đồng bộ thống nhất, một số cơ chế chính sách chưa khuyến khích, thu hút được các nhà đầu tư nhà ở xã hội; còn nhiều người có thu nhập thấp, công nhân lao động chưa tiếp cận được với các chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội...
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, quy hoạch; sửa đổi các chính sách để thu hút nhà đầu tư; giúp người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội thì được tiếp cận với chính sách được tốt hơn.
Đồng thời, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân lao động; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư, người có thu nhập thấp, công nhân được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để đầu tư cũng như là mua nhà ở xã hội...
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quốc hội |
Có tình trạng người sở hữu nhà ở xã hội không đúng đối tượng được ưu đãi
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đề cập thực trạng có những người sở hữu được nhà ở xã hội không phải là người trong diện được thụ hưởng ưu đãi này, không phải đối tượng chính sách, không là hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp…
“Thậm chí, có những dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán nhà ở xã hội đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo… Nếu có thanh tra, kiểm tra xem ai là người đang ở trong nhà ở xã hội, tôi chắc chắn rằng sẽ có những người không đúng là đối tượng được ưu đãi”, nữ đại biểu nói.
Thực trạng này có nhiều nguyên do như có sai phạm và sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, có việc “lách luật” để mua đi bán lại nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến hệ luỵ là người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể, bổ sung nội dung tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê nhà ở xã hội để xử lý các sai phạm liên quan vào báo cáo.
Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 8, đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm triển khai có hiệu quả các dự án xây nhà ở cho công nhân lao động đặc biệt là ở các vùng tập trung đông khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhu cầu bức thiết về nhà ở dành cho công nhân.
Theo Phương Thảo/Laodongthudo.vn