Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế tại Kỳ họp thứ 8
Việt Nam tham vấn kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách và sửa đổi Luật bảo hiểm y tế |
Trong khuôn khổ Chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 25, ngày 16/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Trình bày Tờ trình đề nghị bổ sung dự án các dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tập trung điều chỉnh: Đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT; phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận tại phiên họp. (Ảnh: Quốc hội) |
Về thời hạn trình và quy trình thông qua, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV).
Đối với dự án Luật Phòng bệnh, nội dung chính gồm 5 chính sách: Hoàn thiện các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; bảo đảm dinh dưỡng trong phòng bệnh; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; các điều kiện bảo đảm để phòng bệnh.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Về nội dung các chính sách, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế bảo đảm để người lao động tham gia BHYT bắt buộc được chuyển sang tham gia BHYT tự nguyện trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để tiếp tục duy trì quyền lợi BHYT của người lao động.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay trong thông tuyến khám chữa bệnh BHYT để bảo đảm tính khả thi. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, bổ sung đánh giá kỹ lưỡng thêm về các nội dung liên quan đến một số đối tượng dự kiến bổ sung vào nhóm tham gia theo hộ gia đình; điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh;…
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Quốc hội) |
Về đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cơ bản đủ các thành phần tài liệu theo quy định, tuy nhiên nội dung các tài liệu cụ thể trong hồ sơ như Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Đề cương chi tiết cần phải được tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm yêu cầu.
Bên cạnh đó, nội dung các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật còn một số vấn đề cần được tiếp tục làm rõ; đánh giá tác động toàn diện và chuyên sâu hơn nữa để làm rõ sự cần thiết, cơ sở của việc đề ra các chính sách...
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao Bộ Y tế đã chủ động, tích cực chuẩn bị 2 dự án Luật, đặc biệt đối với Luật BHYT là văn bản luật cần khẩn trương sửa đổi để bảo đảm đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Ủy ban Pháp luật thống nhất báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, dự án luật được đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Đối với dự án Luật Phòng bệnh, do vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ, tránh chồng chéo, vì vậy, đề nghị xem xét bổ sung dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 ngay khi Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương, sớm hoàn thiện Hồ sơ, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Phương Thảo