Cần ưu tiên xây dựng cơ sở khám chữa bệnh ở nơi tập trung đông công nhân
Công nhân cần được khám bệnh, chữa bệnh
Ngày 30/8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế góp ý Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Trong đó, đối với chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh: Tại Điều 4 dự thảo Luật quy định 7 nhóm chính sách của Nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 4 về ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nghiên cứu, bổ sung khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động thuộc nhóm đối tượng cần được ưu tiên, bố trí ngân sách, được tập trung đầu tư để xây dựng, phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp mong muốn có cơ sở khám chữa bệnh gần nơi mình làm việc. Ảnh minh họa. |
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, bởi khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất là các địa bàn tập trung đông công nhân lao động, song hệ thống tổ chức các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện rất ít, đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của công nhân lao động.
Việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại nơi có đông công nhân lao động vừa đáp ứng điều kiện làm việc (có ít thời gian, đi làm sớm, về muộn) của công nhân lao động, đồng thời có khả năng giải quyết các thảm họa, sự cố y khoa (dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, chảy nổ,…).
Bên cạnh các nhóm đối tượng được xác định tại điểm b, Khoản 1, Điều 4 được ưu tiên bố trí ngân sách để khám bệnh, chữa bệnh (người có công với cách mạng, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung công nhân lao động là đối tượng cần được quan tâm trong khám bệnh, chữa bệnh.
“Cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho công nhân lao động có thể dễ dàng tiếp cận và thuận lợi hơn trong khám bệnh, chữa bệnh (đặc biệt là khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính vẫn được thanh toán từ Quỹ bảo hiểm y tế)”, văn bản góp ý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ.
Bố trí nguồn lực để công nhân tiếp cận y tế từ cơ sở
Trước đó, trong tháng 6/2022, tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân lao động, chị Vũ Thị Kim Anh (sinh năm 1981, công nhân Công ty TNHH Cơ khí Chính xác Việt Nam I, tỉnh Vĩnh Phúc), bày tỏ: "Công nhân chúng cháu thường xuyên phải tăng ca ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng rất khó khăn trong việc khám chữa bệnh do bệnh viện ở xa nơi làm việc.
Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng quy hoạch phát triển bệnh viện tại các khu công nghiệp, trước mắt tổ chức cơ sở khám chữa bệnh trong các khu công nghiệp để thuận tiện cho chúng cháu đến khám chữa bệnh và cấp cứu kịp thời khi có sự cố, tai nạn tại các nhà máy.
Đồng thời cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh vào Chủ nhật và được thanh toán bảo hiểm y tế vì hầu hết công nhân đều đi làm từ thứ Hai đến thứ Bảy".
Đây cũng là nội dung thứ tư trong 10 nhóm kiến nghị công nhân lao động gửi đến người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành, đó là: Cần quan tâm quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Chia sẻ với chị Kim Anh và những khó khăn của công nhân lao động, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Ý kiến phản ánh của công nhân phản đúng với thực tiễn.
Theo Thủ tướng, Quốc hội đang yêu cầu sửa Luật Khám chữa bệnh. Chính phủ đang rà soát lại hệ thống quy định pháp luật có liên quan để tăng cường hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng.
Các khu công nghiệp tập trung đông công nhân, mà chủ trương cũng như "công thức" chống dịch của chúng ta là làm sao để người bệnh tiếp xúc nhanh nhất, sớm nhất với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở.
“Trước điểm yếu trên của hệ thống y tế, chúng tôi đang tập trung bổ sung về pháp lý và thể chế. Trong đó, về giải pháp trước mắt, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, y tế cơ sở và y tế dự phòng sẽ được đầu tư nguồn lực là 14.000 tỷ đồng để tăng cường năng lực. Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan giải ngân nguồn vốn này để giải quyết khó khăn ngay trong ngắn hạn.
Về lâu dài, chúng ta nên nghiên cứu tổ chức y tế, trạm xá hay cơ sở khám chữa bệnh sao cho phù hợp cho các khu công nghiệp. Đề nghị Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu.
Những gì thuộc về cơ chế, chính sách, thể chế thì phải bổ sung ngay vào Luật Khám chữa bệnh theo hướng làm sao để bố trí nguồn lực, nhân lực, tổ chức thực hiện hiệu quả nhất để công nhân được tiếp cận y tế từ xa, từ cơ sở, sớm nhất, nhanh nhất có thể”, Thủ tướng đề nghị.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Hiện, việc khám chữa bệnh cho công nhân lao động đang gặp hai vướng mắc.
Thứ nhất, cơ sở khám chữa bệnh tại các khu công nghiệp hiện nay chưa được quy định trong mạng lưới y tế. Thứ hai, việc tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ cho công nhân trong các khu công nghiệp thì cơ quan bảo hiểm thanh toán hay không? Vấn đề tiền lương làm thêm giờ cho cán bộ y tế khám chữa bệnh ngoài giờ cũng cần làm rõ.