2 luồng ý kiến khác nhau về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện công
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ngày 29/10/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với đại diện Thường trực Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trì soạn thảo, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, một số cơ quan, tổ chức hữu quan để thống nhất các nội dung lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Tại cuộc họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo Quốc hội về việc chưa xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, giải trình các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp tục xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; lấy ý kiến và tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang thông tin về Kỳ họp. |
Tại phiên họp thứ 18, ngày 14/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 12 chương, 123 điều, nhiều hơn 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Trả lời các câu hỏi liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, tài chính trong bệnh viện là vấn đề rất khó. Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu và ý kiến góp ý khác để quy định trong Luật những nguyên tắc cơ bản nhất, sau đó Chính phủ sẽ có các hướng dẫn chi tiết trong các nghị định về ba nội dung về vấn đề tài chính trong bệnh viện là xã hội hóa, tự chủ bệnh viện và giá khám chữa bệnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai trả lời tại báo chí. |
Đối với cơ chế tự chủ bệnh viện, với bệnh viện công, về nguyên tắc Nhà nước sẽ đảm bảo ngân sách chi cho các hoạt động mà Nhà nước giao nhiệm vụ cho bệnh viện. Các bệnh viện công khi tự chủ sẽ được tự chủ về tổ chức nhân sự, tổ chức hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật khác liên quan.
Riêng đối với tự chủ về tài chính, dự thảo Luật quy định rõ các bệnh viện được tự chủ quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ do bệnh viện tổ chức thực hiện nhưng nội dung không phải do nhà nước định giá. Với nguồn thu khi đã thu được rồi các bệnh viện có quyền quyết định sử dụng theo quy định của pháp luật liên quan và Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo ông Nguyễn Hoàng Mai, dự thảo Luật quy định cụ thể, chuyên biệt cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chứ không dẫn chiếu theo Luật Giá. Dự thảo Luật quy định cụ thể về yếu tố hình thành giá, chi phí cấu thành giá cũng như nguyên tắc định giá, căn cứ định giá và thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành phương pháp định giá khám bệnh, chữa bệnh.
Các đại biểu tham dự cuộc họp. |
Về thẩm quyền quyết định giá, dự thảo Luật quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân sẽ tự quyết định giá trên cơ sở phương pháp định giá của Bộ Y tế và kê khai giá theo Luật Giá. Đối với cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước, hiện vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, Nhà nước định giá đối với dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, còn các dịch vụ ngoài bảo hiểm y tế thì cơ sở khám chữa bệnh được tự quyết định trên cơ sở phương pháp xác định giá của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo luồng ý kiến thứ hai, Nhà nước định giá cho tất cả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tức là định mức giá tối đa và giao quyền cho các chủ thể liên quan quyết định giá cụ thể. Ví dụ các bệnh viện thuộc Bộ Y tế sẽ do Bộ Y tế quyết định, bệnh viện thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định, thuộc quản lý của các địa phương sẽ do các địa phương quyết định. Trường hợp các cơ sở theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc tự chủ hoàn toàn thì được quyền tự quyết định giá trên cơ sở giá tối đa do cơ quan có thẩm quyền quy định.