Cần đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông
Nhiều chuyển biến tích cực
Thông tin về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) 9 tháng đầu năm 2023, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 90 vụ (giảm 1,07%), giảm 60 người chết (giảm 1,24%), tăng 216 người bị thương (tăng 3,87%).
Đáng chú ý, TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết. Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Kết quả xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn được quần chúng nhân dân ủng hộ. Câu chuyện về "Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình", mọi người đã nhắc nhở nhau đã uống rượu bia thì không lái xe, qua đó dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân.
Trên đường phố Hà Nội, đặc biệt ở khu vực ngoại thành, tình trạng tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, lạng lách trên đường vẫn còn phổ biến. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. TNGT đường sắt tăng một tiêu chí (số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2022. Vi phạm về hành lang ATGT đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố.
Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông tiếp tục diễn ra, điển hình như một số vụ xe container rơi cuộn thép tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài ra, tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố lớn như Hà Nội, có xu hướng tăng, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các Thành phố lớn, nguyên nhân là do số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao.
Phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém; tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép... còn diễn ra khá phổ biến; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.
Phụ huynh không gương mẫu khi tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của trẻ nhỏ. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Tại Hà Nội, theo phản ánh của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, những hiện tượng vi phạm an toàn giao thông vẫn tồn tại. Dẫn chứng điều này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã rà soát, qua đó ghi nhận trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng cộng 152 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ mất ATGT, trong đó khu vực nội thành là 108 vị trí, ngoại thành 44 vị trí. Đáng chú ý, tình hình TNGT liên quan đến học sinh 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn Hà Nội có xu hướng diễn biến phức tạp khi xảy ra 17 vụ, làm 9 người chết, 13 người bị thương.
Xây dựng văn hóa giao thông
Theo ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong quý III và 9 tháng đầu năm 2023, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện, quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt trong các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn Thành phố.
Về nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2023, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Sở sẽ tham mưu ban hành và triển khai kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Tiếp tục triển khai công tác tổ chức giao thông, đảm bảo ATGT khu vực trường học; hoàn thành mô hình thí điểm tổ chức giao thông tại 3 trường học trong khuôn khổ Dự án Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021-2025.
Người tham gia giao thông thiếu ý thức, đi ngược chiều trên trục đường Nguyễn Trãi. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục tập trung xử lý các điểm ùn tắc giao thông (phấn đấu xử lý 10-12 điểm ùn tắc trong năm 2023); kịp thời phát hiện những bất cập (biển báo, sơn kẻ, pha đèn chưa hợp lý); các vị trí nguy hiểm, điểm ùn tắc phát sinh để xử lý kịp thời. Theo dõi và xử lý dứt điểm 1 điểm đen tai nạn giao thông còn tồn tại của năm 2023.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt và chỉ đạo của Thành phố tại văn bản số 1312/UBND-ĐT ngày 5/5/2023 về việc tập trung các giải pháp bảo đảm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Chỉ đạo Thanh tra Sở và các phòng, ban, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách trên địa bàn Thành phố.
Để xây dựng văn hóa giao thông, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề nghị Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, ATGT, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tải trọng, vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách, hàng hóa… trên nguyên tắc "thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn".
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT, đặc biệt cho học sinh các cấp; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cơ quan chức năng trong công tác quản lý, giáo dục học sinh chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông.