Yêu thêm lần nữa
30 năm đồng hành cùng người lao động Ở đâu “khó” ở đó có phóng viên |
Tháng 8/ 2021 tôi rời tờ Pháp luật và Xã hội đến với báo Lao động Thủ đô. 11 năm trước tôi gặp anh Nguyễn Văn Bình (nguyên Tổng Biên tập tờ Pháp luật và Xã hội), đến bây giờ và sẽ mãi về sau tôi vẫn luôn coi đó là “cuộc gặp gỡ định mệnh”. Cuộc gặp gỡ đã níu tôi ở lại với nghề, cuộc gặp gỡ đã cho tôi “những tháng năm rực rỡ”.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tặng hoa Ban Biên tập báo Lao động Thủ đô nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (Tổng Biên tập Lê Thị Bích Ngọc thứ 3 từ trái sang) |
Nhưng rồi một ngày, tôi qua nhà anh Bình (khi đó anh đã nghỉ hưu), tôi thưa với anh: “Có lẽ em rời Pháp luật và Xã hội anh ạ.”. Một thoáng nhíu mày và một cái vỗ vai: “Ừ, đi mà nạp thêm năng lượng mới”. Anh Bình quá chính xác, tôi như cỗ máy đang ì bất kể do nhiên liệu hay người điều khiển, bởi vậy cần phải thay đổi để “máy vẫn còn chạy tốt”.
Nếu trước đây tôi đến với Pháp luật và Xã hội như tình yêu “sét đánh” thì tôi đến với Lao động Thủ đô với sự điềm nhiên, từng trải và có sự “mai mối” của anh Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô. Hôm gặp chị Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập Báo, chị Ngọc nói ngắn gọn: Tôi cần kinh nghiệm của anh để làm một mảng đề tài mà bạn đọc rất quan tâm. Và tôi kỳ vọng anh sẽ làm tốt việc này.
Nhiệm vụ đã được giao. Tôi như “mảnh ghép” còn thiếu của Lao động Thủ đô đã được đặt đúng chỗ. Những đồng nghiệp mới, một môi trường mới và tôi tự nạp năng lượng mới cho mình.
Khi tôi đến Lao động Thủ đô (tháng 8/2021) cũng là lúc Hà Nội bùng nổ dịch Covid-19 và Thủ đô phải phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch. Tòa soạn chủ yếu làm việc online, nhưng hễ có phóng viên nào phải xông ra đường tác nghiệp là chị Ngọc lại chỉ đạo trên nhóm Zalo “Anh Nguyên (phụ trách văn phòng) mua đầy đủ khẩu trang, nước xịt khuẩn, quần áo bảo hộ loại tốt trang bị cho phóng viên”. Ngoài việc dặn phóng viên “an toàn là ưu tiên số 1” thì nửa đêm vẫn còn nhắn trên nhóm hỏi thăm có phóng viên nào bị làm sao không? Đó không chỉ là những câu hỏi đơn thuần của một người lãnh đạo mà còn hàm chứa trách nhiệm, tình cảm như một người mẹ, người chị.
Đến với Lao động Thủ đô tôi thường dùng khá nhiều chữ “ơ”. “Ơ, sao phóng viên không phải chịu định mức tin bài à?”. Ở Lao động Thủ đô không áp định mức tin bài cho phóng viên như các tờ báo khác, vậy mà phóng viên vẫn chăm chỉ viết với số lượng mà nghe đến “phát hoảng”, ví dụ bạn Lê Thị Hà có tuần viết hơn 20 tin, bài. Câu trả lời cũng đơn giản vô cùng, nhuận bút không chậm, những bài phóng viên viết vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết bao giờ cũng được chấm cao hơn nên phóng viên “cày” rất khỏe.
Lao động Thủ đô là một gia đình - Tác giả (giữa) trong lần đi từ thiện ở bản Sa Lai, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. |
Rồi điện thoại “tinh, tinh” lại “ơ, cơ quan cho tiền hỗ trợ Covid- 19”, “ơ, có tiền may đồng phục’, “ơ, lại được đi nghỉ mát à?”, “ơ, có lương thứ hai thật á”, “ơ, mới sáng sớm mồng 1 Tết điện thoại đã báo có tiền mừng tuổi”… chị Ngọc bảo: “Báo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thì trước tiên phải chăm lo cho cán bộ phóng viên của mình thì mới viết tốt được”. Hóa ra chị Ngọc “giải mã” những chữ “ơ” thật nhẹ nhàng, đơn giản như vậy. Nhưng để có được điều đó thì mấy năm qua hơn 40 cán bộ phóng viên báo Lao động Thủ đô luôn mang tinh thần “làm hết mình, chơi nhiệt tình”.
Là một người cực kỳ nguyên tắc và có phần khắt khe trong công việc (phóng viên, luôn ghi nhớ “mệnh lệnh” viết nhanh nhưng phải đúng và trúng) thì chị Ngọc luôn tạo cho cán bộ phóng viên sự gần gũi, thân quen cùng sẻ chia những vui buồn ngoài công việc. Cuối năm 2022 vừa “gả chồng” cho phóng viên Lê Thắm tận Nghệ An, thì đầu năm 2023 cả cơ quan lại hồ hởi ngược Lào Cai dự đám cưới của phóng viên Lương Hằng. Cả 2 lần chị Ngọc dù đang bị mệt nhưng vẫn cố đi. Dường như khi đó chị Ngọc không phải là sếp đi dự đám cưới của nhân viên, mà là người mẹ vui mừng tiễn con gái về nhà chồng.
Những chuyến đi như vậy, những việc làm như thế tạo sự gắn kết mọi người trong tòa soạn, đó là văn hóa của người Lao động Thủ đô và trong trái tim của mỗi cán bộ, phóng viên, tòa soạn báo Lao động Thủ đô ở số 1 A Yết Kiêu như ngôi nhà thứ 2 của mình.
Có nhiều lúc tôi cố lý giải, sao chị Ngọc lại có nhiều năng lượng đến thế? Biết bao nhiêu việc ở cơ quan, việc gia đình, đối nội, đối ngoại vậy mà vẫn không sót việc nào.
Anh Lê Hà, Thư ký tòa soạn bảo: “Anh mới về Báo không biết thôi, chị Ngọc làm việc không ai theo được. Thế nên, chuyên trang mà Báo sắp ra mắt đòi hỏi chất lượng phải cao, “guồng quay” phải hết công suất đấy!
Trang mà Lê Hà nói là Chuyên trang điện tử Lao động và Pháp luật. Chị Ngọc kỳ vọng Chuyên trang này sẽ dành nhiều bài viết bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động và tôi là người được chị Ngọc và Ban Biên tập giao nhiệm vụ. Một hành trình mới dù thuận lợi nhưng cũng không dễ dàng gì bắt đầu…
Lao động Thủ đô đang bước vào tuổi 30 còn tôi mới chỉ về với Báo hơn một năm. Nhưng giờ tôi không còn “ơ” nữa mà tôi hiểu tại sao Báo không yêu cầu phóng viên phải “chấm công” ở tòa soạn mà hằng ngày anh em vẫn đến “như nhà có việc”. Phải yêu lắm, nhớ lắm thì mọi người mới vậy. Đó thực sự là “Ngôi nhà Lao động Thủ đô”- ngôi nhà mơ ước của hơn 40 cán bộ phóng viên.
Và với một “ngôi nhà” như vậy thì chả có lý gì lại không dấn thân, không yêu thêm lần nữa…
Hùng Sơn