Xử phạt hàng loạt xe máy đi vào Vành đai 3 trên cao
Chung sức, đồng lòng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 Xử lý nghiêm các trường hợp xe máy đi vào đường Vành đai 2 trên cao |
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), thời gian qua, vào khung giờ cao điểm hằng ngày từ 6h30 - 8h30 vẫn còn một số người điều khiển xe máy nhập vào đường Vành đai 3 trên cao chủ yếu ở nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi để xuống ngã tư Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long và từ đường Phạm Hùng để xuống nút giao cầu vượt Mai Dịch.
Lực lượng Cảnh sát giao thông cũng liên tục tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhưng nhiều người đi xe máy vẫn bất chấp nguy hiểm đi vào đường cấm. Thậm chí có người điều khiển xe máy đi vào cao tốc còn không đội mũ bảo hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Nhiều người đi xe máy vẫn bất chấp nguy hiểm đi vào đường cấm. |
Tiếp nhận phản ánh của người dân về tình trạng nhiều người điều khiển xe máy cố tình đi lên vành đai 3 trên cao, ngày 8/3, Tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 6 đã lập biên bản xử phạt hàng loạt trường hợp vi phạm. Đa số các trường hợp đều lấy lý do tránh đoạn đường ùn tắc Khuất Duy Tiến bên dưới vào giờ cao điểm để đến chỗ làm và đến trường cho nhanh, dù biết nguy hiểm.
Đơn cử như trường hợp anh N.T.D (sinh năm 1980; trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm nghề lái xe công nghệ cho biết: Tôi biết là xe máy không được đi vào đường Vành đai 3 trên cao nhưng do sáng nay vội, khách giục đi nhanh, đường bên dưới lại tắc nên tôi đã đi vào. Sau này tôi sẽ rút kinh nghiệm, không tái phạm nữa. Tương tự, anh N.M.T (sinh năm 1999; trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng trần tình, do buổi sáng tắc đường, tôi sợ đến cơ quan muộn nên đã tặc lưỡi đi vào đường Vành đai 3 trên cao dù biết là rất nguy hiểm.
Trực tiếp làm nhiệm vụ, Đại úy Hà Anh Tuấn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6 cho biết, hầu hết tài xế xe máy đều biện minh là do vội, không chú ý quan sát nên đi nhầm nhưng hành vi này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Theo quy định hiện hành, với lỗi đi xe máy vào cao tốc, người vi phạm sẽ bị phạt 2,5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện và tước giấy phép lái xe 4 tháng.
Xử lý người điều khiển xe máy đi vào Vành đai 3 trên cao. |
Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, có vụ tử vong do người đi xe máy cố tình đi vào đường Vành đai 3 trên cao. Có thể kể đến như: Khoảng 23h40 ngày 22/12/2023, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại đường Vành đai 3 trên cao, hướng từ Thanh Trì về Mai Dịch. Thời điểm xảy ra tai nạn, anh D.V.N (sinh năm 1991, quê tỉnh Hà Nam), điều khiển ô tô đầu kéo mang BKS 90Cxxx, kéo theo rơ- moóc đi trên đường Vành đai 3 trên cao.
Đến đoạn qua tòa nhà Keangnam, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thì xe bị hỏng nên tài xế N. đỗ phương tiện vào bên phải đường để sửa chữa. Tài xế cũng đặt biển, bật xi nhan cảnh báo. Sau đó, anh D.A.T. (sinh năm 1987, quê Bắc Giang) điều khiển xe máy đi lên đường Vành đai 3 rồi bất ngờ đâm vào phần đuôi bên trái xe đầu kéo. Cú va chạm mạnh khiến anh T tử vong tại chỗ, xe máy văng ra xa và bị biến dạng. Nguyên nhân được xác định, do anh T. điều khiển xe máy đi vào đường cấm, không chú ý quan sát, không làm chủ tay lái, dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 6, Vành đai 3 trên cao (Hà Nội) là đường cao tốc chỉ dành riêng cho ô tô lưu thông, vận tốc tối đa theo từng đoạn từ 80-100km/h. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường Vành đai 3, tại hai đầu của tuyến đường đều có hệ thống biển báo phân làn, biển cấm mô tô, xe máy và người đi bộ tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều người đi xe máy, ba bánh vẫn bất chấp nguy hiểm, cố tình vi phạm. Thời gian tới, Đội Cảnh sát giao thông số 6 tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, đi vào đường cấm. Ngoài ra, đơn vị sẽ kiến nghị cơ quan chức năng lắp đặt camera để tăng cường phạt nguội...