Tiếp tục sửa đổi chính sách để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%
Không "đẻ" thêm giấy phép con để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2% Sớm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% |
Khó tiếp cận vốn, phải vay cầm cố bên ngoài
Trong tham luận gửi tới Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh: Việc khó tiếp cận đất đai dẫn tới nhiều cản trợ trong tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp.
Ảnh minh hoạ. |
Đại đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trong quá trình phục hồi sau khoảng hai năm chống chịu những tác động nặng nề do đại dịch Covid-19.
Một trong các giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi là thông qua kênh tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, tiếp cận tín dụng không phải là điều dễ dàng. Theo kết quả khảo sát PCI 2021, “tiếp cận tín dụng” là một trong những thách thức lớn nhất doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chỉ khoảng 33% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI 2021 tính cả doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và doanh nghiệp FDI hiện đang có khoản vay từ các tổ chức tín dụng.
Trong số 2/3 doanh nghiệp còn lại chưa tiếp cận được tín dụng thì lý do hàng đầu là do họ không có tài sản thế chấp với tỷ lệ 80% doanh nghiệp. Khó khăn này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đi tìm những nguồn cho vay khác như vay từ bạn bè, người thân, hoặc cầm cố, bán tài sản. Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp tư nhân trong PCI 2021, 4% doanh nghiệp chấp nhận đi vay từ nguồn “tín dụng đen” với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất trung bình khi vay từ các tổ chức tín dụng.
Có cùng nhận định này, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh chưa được như kỳ vọng. Với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục, lo ngại trách nhiệm thanh tra. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp chưa có tài sản bảo đảm; các hợp tác xã chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh đang là rào cản để được tiếp cận gói hỗ trợ.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã cố gắng điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh diễn biến của kinh tế tài chính toàn cầu rất phức tạp, lãi suất và tỷ giá trong nước tương đối ổn định.
Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh rằng, một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm nay là thực hiện triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cho người vay vốn tại ngân hàng thương mại.
Về nội dung này, NHNN đã triển khai nhanh chóng nhiều biện pháp. Trước hết, về hoàn thiện hành lang pháp lý, NHNN đã phối hợp với các Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định 31, cùng ngày ban hành Thông tư 03 hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai đến các đối tượng vay vốn.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định, số liệu về giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện còn khiêm tốn, chưa được như kỳ vọng do một số nhóm khó khăn. Theo đó, đối tượng hỗ trợ có trường hợp khách hàng hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu chỉ một trong số đó thuộc diện được hỗ trợ, khách hàng có được hưởng gói này không. Hay như tiêu chí đánh giá, thẩm định khách hàng có khả năng phục hồi giữ các ngân hàng cho vay cũng có sự khác biệt.
Về tâm lý, hiện có sự e ngại của ngân hàng thương mại do gói hỗ trợ lãi suất trước đây cũng có khó khăn nhất định về giải ngân và kiểm toán. Khách hàng cũng e ngại hoạt động thanh tra, kiểm toán sau này. Bên cạnh đó, dư nợ hỗ trợ 800.000 tỷ đồng nhưng thực tế đã triển khai 4.400 tỷ đồng nên có khoảng cách nhất định giữa khả năng được hỗ trợ cũng như thực tế, do phụ thuộc vào mong muốn của khách hàng có muốn được hỗ trợ hay không.
Để tháo gỡ các nhóm khó khăn này, NHNN sẽ triển khai tổ công tác liên ngành khảo sát thực tế địa phương để giải đáp thắc mắc; tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành để chỉnh sửa chính sách, thủ tục cần tháo gỡ khó khăn để khách hàng vay được vốn và gói hỗ trợ này được triển khai nhanh hơn.
Kiến nghị mở room tín dụng, phát triển thị trường trái phiếu giảm gánh nặng ngân hàng
Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. “Trên thực tế, dù các ngân hàng thương mại đã được nới room tín dụng song chưa đáp ứng kỳ vọng. Chúng tôi hiểu rằng điều này vì mục tiêu lạm phát 4%, song NHNN cần xem xét điều chỉnh room tín dụng'' - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đề nghị.
TS Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) cho hay, dù các chính sách hỗ trợ cũng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhưng đối tượng đang gặp khó khăn nhất trên thị trường, theo ông Lịch, là các hộ kinh doanh. TP Hồ Chí Minh có 350.000 hộ kinh doanh cá thể thương mại - dịch vụ bị tổn thương rất lớn. Việc tiếp cận vay vốn không được nên phục hồi rất chậm. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần rà lại hệ thống chính sách để có tháo gỡ kịp thời.
Ưu tiên lớn nhất cần tháo gỡ để thúc đẩy và phục hồi phát triển cho nền kinh tế, theo ông Lịch là vấn đề vốn. Từ nay đến cuối năm, tín dụng tăng khoảng 4%. Khoản tín dụng này không nhiều nên phải được bơm vào những nơi cần vốn như lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực có tính lan tỏa nhanh. Mặt khác, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là giải pháp cung ứng vốn dài hạn cho doanh nghiệp, giảm gánh nặng ngân hàng thương mại.
"Một thời gian rất dài, thị trường tài chính Việt Nam chỉ dựa vào ngân hàng thương mại. Trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán có góp phần cung ứng vốn cho doanh nghiệp, nhưng gần đây có sự cố, nên sự cố phải được sớm giải quyết" - ông Trần Du Lịch khuyến nghị.
Theo Thảo Nguyên/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/tiep-tuc-sua-doi-chinh-sach-de-day-nhanh-goi-ho-tro-lai-suat-2.html