Không dễ đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%
Tiếp tục sửa đổi chính sách để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% Không "đẻ" thêm giấy phép con để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2% |
Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều vướng
Báo cáo của NHNN, đến cuối quý III/2022, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã thực hiện hỗ trợ lãi suất trên 32 tỷ đồng cho dư nợ 17.000 tỷ đồng đối với khoảng 900 khách hàng. Như vậy, sau hơn 4 tháng triển khai, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ thực hiện được khoảng 20% trên tổng số 800.000 tỷ đồng dư nợ có thể cho vay trong năm 2022.
Nhiều DN đói vốn nhưng không thể tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%. |
Một số DN, hộ gia đình, HTX không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, do gặp nhiều vướng mắc. Có DN không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do địa phương đó chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp. Có HTX đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu của Bộ Tài chính, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán…
Thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh tăng cao, trong khi lãi suất cho vay ở các ngân hàng đang rục rịch tăng thì gói hỗ trợ lãi suất này càng có ý nghĩa. Tuy nhiên, không nhiều DN được vay gói hỗ trợ này.
Phó Giám đốc Công ty CP Trung Đô Đoàn Quang Lê cho biết, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng được yêu cầu về thủ tục hành chính. Khách hàng là hộ kinh doanh lại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất... trong khi thời hạn cho vay cũng rất ngắn. Nhìn chung, chính sách chưa phát huy được hiệu quả do thiếu tính đồng bộ, chưa sát thực tế.
Điều kiện tín dụng để cho vay được đánh giá là khắt khe, bao gồm phải có tài sản thế chấp nhằm kiểm soát rủi ro nợ xấu, nhưng sau dịch Covid-19, nhiều DN rơi vào tình trạng có nợ xấu, hoặc hết tài sản đảm bảo, hoặc khả năng trả nợ bấp bênh, tức không đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Một số DN kêu khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, nhưng muốn nhận hỗ trợ phải chứng minh được chịu ảnh hưởng và có khả năng phục hồi; DN kinh doanh đa ngành, đa nghề phải tách bạch được ngành trong danh mục hỗ trợ. Đối với hộ kinh doanh, muốn được hỗ trợ lãi suất phải có đăng ký kinh doanh và có kinh doanh thực, nhưng thực tế nhiều hộ có đăng ký nhưng không phát sinh thuế...
Giám đốc một NHTM cho hay, đối với vướng mắc liên quan đến DN có hoạt động kinh doanh đa ngành, rất khó tách bạch được chi phí, đặc biệt là chi phí cố định, khó xác định được vốn vay cho lĩnh vực nào. Hơn nữa, ngân hàng cũng gặp khó khi tính toán mức vay của DN trong việc phân tách các dòng tiền.
“Cũng có khách hàng ở nông thôn khi hướng dẫn phải có hóa đơn đỏ mới được hỗ trợ lãi suất 2%, thì đã từ chối, bởi để được hỗ trợ 2% lãi suất, họ phải mất thêm 10% chi phí thuế VAT” - vị lãnh đạo này nói.
Còn với vướng mắc liên quan đến đánh giá khả năng phục hồi, vị giám đốc ngân hàng nêu băn khoăn của các NHTM, để làm được điều này không đơn giản vì liên quan đến xác định các tiêu chí về khả năng phục hồi.
Nhiều nút thắt khó gỡ
Ngoài các vướng mắc nêu trên, theo NHNN, nguyên nhân chính khiến khách hàng vay vốn e ngại tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% là tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không đăng ký hộ kinh doanh, nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cả DN và ngân hàng đều ngại câu chuyện thanh tra, kiểm toán trong quá trình triển khai, thực hiện dự toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% có lợi cho DN, nhưng tiền hỗ trợ từ ngân sách nên mọi chứng từ, thủ tục phải chặt chẽ. NHNN đã có chỉ đạo các NHTM không được từ chối khách hàng đủ điều kiện, không gây thêm phiền hà cho khách hàng nhưng không hạ chuẩn cho vay, nên khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng đủ điều kiện, hồ sơ cho ngân hàng.
Với gói hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay, dư nợ và lãi suất được hỗ trợ sau 3 tháng triển khai ở mức rất thấp. Đặc biệt, nếu ngân hàng không chặt chẽ trong khâu lựa chọn đối tượng khách hàng thì sẽ để lại hệ quả xấu, và khó có thể nhận lại được số tiền hỗ trợ từ ngân sách. Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng |
Một số lãnh đạo ngân hàng kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ về hóa đơn bán lẻ, dư nợ khoản vay bằng ngoại tệ... Đồng thời, có giải pháp giải tỏa tâm lý e ngại về thanh kiểm tra cho DN.
NHNN đã yêu cầu các ngân hàng triển khai cho vay, giải ngân kịp thời, hiệu quả nguồn kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay thuộc đối tượng theo các điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, mà room tín dụng còn lại rất ít, nên các ngân hàng gần như không còn dư địa cho vay.
Ông Nguyễn Trung (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: ''Gia đình tôi đã được ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục vay vốn trung hạn có hỗ trợ lãi suất 2% để mua xe vận tải. Đến thời điểm này, thủ tục đã làm xong, xe cũng đã chọn, nhưng ngân hàng đã hết room tín dụng. Chúng tôi cũng đã liên hệ với ngân hàng đề nghị giải ngân vốn cho vay, song phía ngân hàng trả lời khi có vốn khách hàng trả vào sẽ giải ngân vốn cho vay ngay. Hiện gia đình tôi cũng chỉ biết chờ đợi vốn để mua phương tiện''.
Để chương trình hỗ trợ lãi suất nhanh chóng phát huy hiệu quả, đòi hỏi các NHTM cần mở rộng tín dụng và “linh động” hơn nữa trong quá trình làm thủ tục cho khách hàng vay vốn. NHNN cần tạo cho các NHTM một khoảng không gian nhất định để xử lý linh hoạt những trường hợp thụ hưởng chính sách, sớm kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách này.
Theo Thảo Nguyên/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/khong-de-day-nhanh-goi-ho-tro-lai-suat-2.html