Sớm giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Sớm tháo gỡ điểm nghẽn để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả, đúng quy định |
Sản xuất các sản phẩm linh kiện nhựa xe máy tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG ANH) |
Cụ thể, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau ba tháng triển khai, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.
Doanh nghiệp khó đáp ứng điều kiện
Là một trong số ít doanh nghiệp đã được tiếp cận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan (Cụm công nghiệp Hợp Thịnh, Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) Vũ Văn Hòa cho biết, cách đây ba tháng, Công ty được Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc II thông báo về gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ. Sau khi được hướng dẫn từ ngân hàng, doanh nghiệp đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục để tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng tại Agribank.
Sau khi được hỗ trợ, lãi suất của doanh nghiệp đang vay là 6,2%/năm. “Nhờ được giảm lãi, chúng tôi đã vượt qua khó khăn trước mắt để tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất. Thực tế từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 20% nhưng sản phẩm của công ty vẫn chưa thể tăng giá tương ứng. Do vậy, việc hỗ trợ lãi suất cũng phần nào bảo đảm giúp doanh nghiệp thoát lỗ và có lãi”, ông Vũ Văn Hòa chia sẻ.
Trên thực tế, số doanh nghiệp như Công ty Hà Lan rất ít, bởi phần lớn các doanh nghiệp dù thuộc nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất song khi được hỏi đều khẳng định chưa thể tiếp cận. Đại diện Công ty du lịch Happy Travel Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, các doanh nghiệp thật khó để tiếp cận gói vay với lãi suất hỗ trợ 2% bởi việc kiểm tra báo cáo tài chính, năng lực, tài sản bảo đảm,… đang là trở ngại lớn.
Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam, Nguyễn Khoa Luân cũng chia sẻ, yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có lãi trong ba năm của ngân hàng. Tuy nhiên thực tế qua hai năm dịch bệnh, ngành du lịch gần như tê liệt thì việc yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh có lãi mới được hưởng chính sách ưu đãi gần như là không thể. Chưa kể, một số ngân hàng báo hết room tín dụng cho nên vay không được, ngân hàng còn room thì vay với lãi suất cao.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phạm Huy Hùng cho biết thêm, hiện phần lớn các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tiếp cận chính sách này, do khoản 1 Điều 4 của Nghị định 31 quy định khách hàng để được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm,...
Mặt khác, hiện nay các ngân hàng đang gặp khó khăn về room tín dụng, hoặc còn room nhưng rất ít trong bối cảnh lạm phát có xu hướng gia tăng, do đó đã tác động đến tiến độ giải ngân của các ngân hàng.
Giao dịch khách hàng tại chi nhánh ABBANK. |
Tăng tiến độ giải ngân
Qua ghi nhận sơ bộ từ báo cáo của các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đào Minh Tú cho biết, có thể đề cập tới ba nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chậm như hiện nay:
Thứ nhất, các ngân hàng gặp khó khăn trong xác định đối tượng hỗ trợ lãi suất. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải đáp chi tiết về đối tượng được hỗ trợ lãi suất nhưng các ngân hàng thương mại vẫn gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.
Thứ hai, từ phía khách hàng vay, có nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh cho nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Thứ ba, xuất phát từ chính các ngân hàng thương mại khi các ngân hàng có tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai thực hiện trước đây nhưng vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng; các ngân hàng mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm bảo đảm tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.
“Do vậy, căn cứ thực tế triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại triển khai. Đồng thời, rà soát, phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh để tăng tiến độ giải ngân của Chương trình”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.
Đến nay, các ngân hàng thương mại đã và đang tiếp tục rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện của gói hỗ trợ 2% lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hồ sơ. Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 03, ABBANK đã xây dựng và ban hành hướng dẫn chi tiết, tổ chức đào tạo trên toàn hệ thống nhằm bảo đảm công tác triển khai hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định và thuận lợi cho khách hàng.
ABBANK xác định việc kiểm soát sử dụng vốn đúng mục đích là công tác quan trọng khi tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Theo đó, ABBANK sẽ xác nhận cụ thể từng khoản vay được hỗ trợ lãi suất đối với từng khách hàng, theo dõi và báo cáo định kỳ theo đúng quy định của Thông tư 03. Bên cạnh đó, ABBANK sẽ tăng cường kiểm tra giám sát sau vay, nhằm kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn vay đúng quy định, xác định đúng số tiền được hỗ trợ lãi suất, kịp thời phát hiện các trường hợp không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất (nếu có) và điều chỉnh đúng quy định.
Theo Hồng Anh/nhandan.vn
https://nhandan.vn/som-giai-ngan-goi-ho-tro-lai-suat-2-post712637.html