Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão Noru để chủ động ứng phó
Mưa dông, gió giật mạnh tại nhiều vùng trên cả nước |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra. Ảnh: Hữu Trung/TTXVN |
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 10 giờ ngày 28/9, bão số 4 (bão Noru) đã làm 5 người bị thương (tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế); 3 nhà sập (Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), hư hỏng, tốc mái 157 nhà (lớn nhất ở Quảng Trị 118 nhà); 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện (Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi), hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp tại Quảng Nam, Đà Nẵng; đã có 15 xã bị mất điện (trong đó: Kon Tum 9 xã, Gia Lai 6 xã).
Ngoài ra, bão số 4 còn làm đổ 1 trụ anten Trung tâm truyền thông thành phố Hội An (Quảng Nam); hư hỏng 2 đồn biên phòng (Quảng Nam); gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai; chìm 3 ghe nhỏ (Đà Nẵng, Quảng Nam).
Bão số 4 được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo là cơn bão mạnh, để chỉ đạo công tác ứng phó với bão, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Lê Văn Thành đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Lê Minh Hoan đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Chiều, đêm 27/9 và sáng 28/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã họp trực tuyến với 8 tỉnh, thành phố để chỉ đạo công tác ứng phó với bão.
Lực lượng bộ đội tại Đà Nẵng hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh đường phố sau khi bão đổ bộ. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN. |
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp gửi tin nhắn cảnh báo bão số 4 và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh. Đến 17 giờ ngày 27/9, đã nhắn cho 11,27 triệu thuê bao, trong đó 4,8 triệu người qua Zalo và 6,47 triệu thuê bao qua SMS thuộc các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kom Tum, Gia Lai.
Văn phòng thường trực tăng cường trực ban, theo dõi sát tình hình, diễn biến của bão số 4 và thường xuyên cung cấp thông tin cho các đoàn công tác và gửi các bản tin cảnh báo, dự báo đến các địa phương để chủ động chỉ đạo, ứng phó với bão.
Tại các địa phương, 16/16 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum đã có công điện và văn bản chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ.
Các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã chỉ đạo không cho người dân ra đường khi bảo đổ bộ.
Để tiếp tục ứng phó với bão số 4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, sát với diễn biến thực tế; tránh để bị động, bất ngờ, mất cảnh giác vì những năm gần đây bão không gây thiệt hại về người nhưng mưa lũ sau bão luôn có người bị thiệt mạng.
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ người dân lợp lại mái nhà sau bão. Ảnh: Tường Vi/TTXVN |
Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 4 khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão như dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố để nhanh chóng khôi phục hoạt động và bảo đảm an toàn giao thông; khôi phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt; khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.
Các địa phương hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị sập đổ, tốc mái, hư hại; khắc phục nhanh các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...) để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân, đồng thời tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Các địa phương triển khai lực lượng, kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó; kiểm tra, rà soát hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ chứa nước, hệ thống đê, kè biển và cửa sông; các công trình viễn thông; các công trình đang thi công dở dang để sẵn sàng triển khai hiệu quả các phương án ứng phó, đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Theo Thắng Trung/baotintuc.vn