Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng mạnh
Thanh toán di động tăng hơn 97% về số lượng giao dịch |
Theo công bố của Bộ Thông tin - Truyền thông, năm 2021 Ngân hàng Nhà nước được xếp hạng nhất về an toàn thông tin mạng, thứ 2 về kiến tạo thể chế và thứ 4 về hoạt động chuyển đổi số. 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình.
Nhiều tổ chức tín dụng chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng.
Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng mạnh. (Ảnh: HP) |
Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong 3 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%; qua POS tăng tương ứng 37,57% và 32,09%.
Trong khi đó, giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và 18,55% về giá trị.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cơ quan này đã phối hợp với C06 - Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng…
Về phía các tổ chức tín dụng, năm 2022 một số đơn vị như Vietcombank, BIDV, VietinBank… đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; Xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM, bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh từ tháng 5/2022, hiện đang triển khai mở rộng cho các tỉnh, thành phố.
Năm 2023, một số ngân hàng như Vietcombank đã lập kế hoạch triển khai chính thức giải pháp sử dụng thiết bị di động cài đặt ứng dụng xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp (giải pháp Match on Card - MoC) và cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, bước đầu mở rộng cho toàn bộ chi nhánh trên địa bàn Hà Nội trong tháng 5/2023;
BIDV cũng đã hoàn thành 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị để triển khai giải pháp xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chip khi cung cấp dịch vụ rút tiền tại máy giao dịch tự động, xác thực khách hàng tại quầy,…
Một số tổ chức tín dụng như Vietcombank, MB, PVComBank... đã phối hợp với C06 thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư.
Ngoài ra, tại VietinBank đang triển khai các hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử và đặc biệt là cho vay tín chấp đối với các món nhỏ. Thông qua việc tiếp cận và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, VietinBank có thể đánh giá được khả năng trả nợ và đẩy nhanh quá trình phê duyệt khoản vay, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen.