Thanh toán di động tăng hơn 97% về số lượng giao dịch
Trong bối cảnh kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng và tác động đa chiều của dịch Covid-19, thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu, cơ sở hạ tầng và công nghệ được chú trọng đầu tư, các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử phát triển mạnh với đa dạng các sản phẩm, dịch vụ mới.
Người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm tại trung tâm thương mại |
Tính đến hết tháng 4/2022, thanh toán di động tại Việt Nam đã tăng 97,7% về số lượng giao dịch và 86,7% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước. Số lượng giao dịch thanh toán qua hình thức quét mã QR cũng tăng tới 56,6% về số lượng giao dịch và 111,6% về giá trị giao dịch.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015 - 2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Để tạo thuận lợi cho khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, các ngân hàng đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa giao dịch thanh toán trong nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng đã ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để thanh toán qua xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt... Hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn đáp ứng được hầu hết các nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế; các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới như: thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử... đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam với chi phí hợp lý.
Cùng với các dịch vụ thương mại, thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực dịch vụ công thời gian qua có bước phát triển nhanh và mạnh mẽ. Các địa phương đều đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ nộp thuế, thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, từng bước giảm sử dụng tiền mặt trong giao dịch chi trả các dịch vụ công và chương trình an sinh xã hội.