Tăng cường hợp tác nhằm nâng cao phúc lợi đoàn viên công đoàn, người lao động
Cầu nối tin cậy giữa đoàn viên với nhà trường Hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động giảm, mất việc làm do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng |
Báo cáo về kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Movi giai đoạn 2016 - 2022, bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Năm 2014, Movi đã hợp tác với LĐLĐ tỉnh Đồng Nai triển khai thành công Chương trình phúc lợi Movi.
Năm 2015, trên cơ sở thành công từ mô hình hợp tác với LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Movi đã thống nhất ký kết thỏa thuận triển khai Chương trình phúc lợi Movi tới 15 LĐLĐ tỉnh, thành phố và 500 Công đoàn cơ sở.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: B.D. |
Năm 2016, sau 1 năm triển khai, căn cứ kết quả đạt được, dựa trên nhu cầu của đoàn viên, người lao động, khả năng và mong muốn của Movi, 2 bên đã nâng tầm thỏa thuận hợp tác sâu rộng với việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016 - 2019. Nội dung hợp tác tập trung vào cung cấp các sản phẩm điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng và dịch vụ ứng tiền - gói nhỏ (từ 2 - 50 triệu đồng), trả góp hưởng lãi suất 0%.
Tính đến năm 2022, có gần 1,7 triệu đoàn viên, người lao động của 277 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp tại 29 LĐLĐ tỉnh, thành phố tham gia. Tổng doanh thu khoảng 860 tỷ đồng (gấp 125% về số người, gấp 191% về doanh thu so với năm 2020).
Tính chung giai đoạn 2014 - 2022, tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mà người lao động đã thụ hưởng từ Chương trình phúc lợi Movi khoảng 4.693 tỷ đồng. Tổng số tiền giảm giá và lợi ích mang lại quy đổi thành tiền cho đoàn viên, người lao động khoảng 563 tỷ đồng. Bình quân 1 đoàn viên, người lao động được thụ hưởng giá trị giảm giá và lợi ích là 331,271 đồng/người.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh đánh giá, các sản phẩm, dịch vụ của Movi phong phú về chủng loại, chủ yếu các các mặt hàng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của đoàn viên, người lao động, giá cả cạnh tranh trên thị trường, chất lượng tốt, phương thức thanh toán phù hợp và ưu đãi khác biệt so với nhiều doanh nghiệp tương tự, đáp ứng cơ bản mong muốn và nhu cầu tiêu dùng cũng như khả năng chi trả của đoàn viên, người lao động.
Cũng theo ông Phan Văn Anh, thông qua hoạt động hợp tác, bên cạnh giá trị về vật chất, tinh thần mang lại cho đoàn viên, người lao động, các giá trị về hình ảnh, vai trò, uy tín của tổ chức Công đoàn cũng được nâng lên rõ rệt, thể hiện sự tập trung hoạt động hướng về cơ sở, đổi mới trong phương pháp hoạt động, thực sự là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần quan trọng vào việc thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn cũng như giúp đoàn viên thêm gắn bó với tổ chức.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: B.D. |
Tại Hội nghị, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Movi đã bàn về chương trình Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 - 2028, trong đó tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp và ưu đãi khác biệt cho đoàn viên, người lao động. Đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ của Movi dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá thực tiễn về tình hình thu nhập, nhu cầu của đoàn viên, người lao động để ngày càng đáp ứng tốt nhất mong muốn của đông đảo đoàn viên, người lao động, như: Các gói dịch vụ khám sức khỏe và chữa bệnh; các khóa học, đào tạo cho người lao động và con em người lao động; các gói dịch vụ du lịch; dịch vụ tài chính,… Các sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, giá cả ưu đãi và cạnh tranh.
Hai bên sẽ phối hợp tổ chức, tham gia hiệu quả các hoạt động chăm lo khác của tổ chức Công đoàn, trong đó, tập trung vào các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như: Tặng quà đoàn viên, người lao động khó khăn, nhân các dịp lễ, Tết; tham gia các chương trình bán hàng giảm giá, cung cấp phúc lợi miễn phí như Tết sum vầy, Chợ Tết Công đoàn, Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình…; Mái ấm Công đoàn và các hoạt động xã hội, từ thiện; hoạt động khác của tổ chức Công đoàn; tham gia các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng và nhu cầu chăm lo của đoàn viên, người lao động…
Đặc biệt, hai bên sẽ triển khai thí điểm mô hình Tổ phúc lợi tại doanh nghiệp với thành phần gồm cán bộ Công đoàn cơ sở, đại diện doanh nghiệp, người lao động với sự hỗ trợ của Công đoàn cấp trên, Movi để triển khai hiệu quả các hoạt động thụ hưởng ưu đãi dành cho đoàn viên, người lao động, trong đó vai trò của Công đoàn là nòng cốt.
Thông tin thêm về mô hình Tổ phúc lợi tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Thanh Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Movi cho biết: Công ty Movi sẽ hợp tác, phối hợp chặt chẽ cùng Tổ Phúc lợi, nhằm triển khai các hoạt động, chương trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, theo mô hình mua trước trả sau, trả chậm từ 3-5 tháng với lãi suất 0%. Đoàn viên thuộc các Công đoàn cơ sở với sự hỗ trợ của Tổ phúc lợi sẽ được tiếp cận kênh mua sắm tiện ích thông qua Ứng dụng thành viên Movi, để được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đoàn viên, người lao động.
B.D