Sàn tiền ảo FTX bên bờ phá sản, nhà đầu tư lo không rút được tiền
Phạt tù đối tượng chiếm đoạt tiền của công ty để đầu tư ngoại tệ trên sàn Forex |
Sàn tiền ảo FTX cận kề phá sản, mất trên 90% tài sản
Phiên sáng 10/11, thị trường tiền ảo đồng loạt lao dốc, giá FTT lao dốc 18%, Bitcoin - đồng tiền số có vốn hoá lớn nhất cũng lao dốc gần 18% xuống 15.000 USD, mức thấp nhất kể từ 2 năm qua, còn Solana - đồng tiền điện tử được hậu thuẫn bởi FTX và Alameda - giảm gần 20%. Nhiều đồng tiền mã hóa chủ chốt như: Polkadot, Avalanche, Ripple, Cardano... cũng chứng kiến mức giảm lên tới vài chục % trong 24 giờ qua. Tính chung 2 ngày qua, vốn hóa thị trường của thị trường tiền điện tử đã giảm từ 1.000 tỷ USD xuống khoảng dưới 900 triệu USD, mất hơn 100 triệu USD.
Cú rơi của token FTT. Nguồn: Coinmarketcap |
Nguyên nhân thị trường tiền mã hóa lao dốc không phanh đến từ “cuộc chiến” của Binance và FTX - 2 sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Hậu quả là giá FTT - token quản trị của sàn FTX đã sụt giảm nghiêm trọng, mất tới hơn 90% giá trị chỉ trong vòng 3 ngày.
FTT là tiền điện tử của FTX, sàn giao dịch tiền điện tử do tỷ phú Sam Bankman-Fried sáng lập. FTX được xem là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới chỉ sau Binance, theo số liệu trên CoinMarketCap.
Nhưng trong đầu tháng này, hàng loạt sự việc tiêu cực xảy ra với FTX khiến cộng đồng tiền số không khỏi hoang mang và thông báo chính thức của CEO Binance chính là "phát súng" xác nhận những nghi ngại từ phía nhà đầu tư.
Trang tin tiền ảo CoinDesk cho biết, có một bảng cân đối kế toán bị rò rỉ cho thấy nền tảng tài chính của Alameda Research - công ty liên kết của FTX, đang bất ổn. Alameda Research là quỹ đầu cơ tiền ảo mà Bankman-Fried đã thành lập trước khi bắt đầu ra mắt FTX. Hai công ty có quan hệ tài chính chặt chẽ. Các nhà giao dịch cũng vội vã chuyển tiền điện tử của họ ra khỏi nền tảng của FTX vì lo ngại FTX có thể là cái tên tiếp theo trong danh sách các công ty tiền ảo nổi tiếng sụp đổ trong năm qua.
Để cứu vãn tình hình, Binance - sàn giao dịch lớn nhất thế giới, đồng ý mua lại FTX để giải cứu FTX khỏi cuộc khủng hoảng thanh khoản. Tuy nhiên, vào rạng sáng nay 10/11 (giờ Việt Nam), Changpeng Zhao - chủ sàn Binance đưa ra tuyên bố từ bỏ kế hoạch mua lại FTX, khiến đế chế tiền điện tử của Sam Bankman-Fried đứng trước bờ vực sụp đổ.
Đầu năm nay, FTX được các nhà đầu tư định giá 32 tỷ USD nhưng chỉ trong 1 ngày 8/11, FTT đã mất 80% giá trị, giảm xuống chỉ còn 5 USD và bay hơi 2 tỷ USD. Sang ngày 9/11, token này giảm tiếp 50% xuống còn khoảng 2,30 USD, đưa tổng giá trị của các mã thông báo đang lưu hành xuống chỉ còn 308 triệu USD.
Hiện chưa rõ ai sẽ đứng ra "giải cứu" sàn giao dịch này, nhưng sau thông tin Binance “lật kèo” với thương vụ thâu tóm FTX, CEO Bankman-Fried cho biết, sàn này đang đối mặt với khoản thiếu hụt lên tới 8 tỷ USD từ các yêu cầu rút tiền và cần tài trợ khẩn cấp, theo Wall Street Journal đưa tin.
Nhiều người dùng Twitter còn gọi đây là cuộc chiến giữa Binance và FTX - hai sàn tiền mã hóa lớn nhất nhì thế giới.
Xuất hiện vấn đề trong hoạt động rút tiền
Bên cạnh những rắc rối về tài chính, FTX cũng thu hút sự chú ý từ các cơ quan điều hành Mỹ. Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) đang điều tra xem liệu công ty có xử lý đúng các khoản tiền của khách hàng hay không.
Ngoài ra, FTX cũng bị điều tra về mối quan hệ với các bộ phận khác trong đế chế tiền ảo của ông Bankman-Fried, bao gồm cả công ty giao dịch Alameda Research, Bloomberg News đưa tin trong ngày 9/11.
Hiện các quan chức từ Bộ Tư pháp cũng đang làm việc với các luật sư của SEC, một nguồn tin cho hay.
Sự sụp đổ của FTX có thể lan sang toàn bộ thị trường tiền điện tử nếu không được xử lý kịp thời. |
Ngày 8/11, có lúc FTX ngừng xử lý hoàn toàn hoạt động rút tiền, làm dấy lên đồn đoán trên thị trường cho rằng FTX đã rơi vào “cuộc khủng hoảng thanh khoản”, có nghĩa là thiếu tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.
Nhiều người dùng FTX đã gặp phải sự cố khi rút tiền từ các sàn giao dịch, chẳng hạn như vấn đề chậm trễ và thất bại. Tuy nhiên đến nay, FTX đã ngừng hẳn việc cho rút tiền khỏi sàn và sàn này đã mất thanh khoản.
Trên các hội nhóm của người sở hữu token FTT tại Việt Nam, N.M.Thắng (Hà Nội) lo lắng, trong vài giờ qua, nhà đầu tư này không thể rút được tài sản của mình trên sàn tiền mã hóa FTX. Hoang mang, sợ mất trắng khoản tiền đã nạp lên sàn là tâm lý của Thắng và không ít nhà đầu tư hiện có tài sản trên FTX.
Không chỉ nhà đầu tư và các bên cho vay bị treo số dư khi sàn bị tạm ngưng hoạt động mà các khách hàng cũng không thể rút lại tài sản vì FTX đã ngừng một số dịch vụ rút tiền trước đó.
Sự sụp đổ của FTX có thể lan sang toàn bộ thị trường tiền điện tử trong trường hợp sự cố của sàn FTX không được kịp thời xử lý. Không chỉ FTX, cộng đồng nhà đầu tư cũng đang bối rối khi người dùng phải đối mặt với vấn đề chậm trễ trong việc rút tiền stablecoin mặc dù trước đó đã được thông báo tốc độ rút tiền sẽ bình thường sau khi các ngân hàng nối lại hoạt động trong các ngày trong tuần.
Trong quá khứ rất nhiều trường hợp sàn tiền ảo bị sập hay phá sản như: Mt.Gox, Bitfinex, BitConnect, QuadrigaCX… và mới đây là thảm họa Luna hồi tháng 5. Những người đầu tư vào Luna không chỉ mất trắng mà còn phải gánh một khoản nợ khổng lồ.
Tiền điện tử đang được xem như một loại hàng hóa nhưng lại không được cảnh báo nhiều về vấn đề bảo mật hay phát triển bền vững sau khủng hoảng. Những người bị mất trắng khi tham gia vào thị trường tiền số ngày một nhiều thêm.
Trong khi khung pháp lý của Việt Nam chưa cho phép các hoạt động liên quan đến tiền ảo, tiền điện tử. Đã nhiều lần, lãnh đạo các cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo, pháp luật sẽ không bảo hộ cho những rủi ro liên quan đến tiền ảo, thậm chí, cá nhân đầu tư vào sàn tiền ảo là tiếp tay cho sai phạm. Với những biến động mạnh và khó đoán thời gian gần đây, việc bỏ vốn vào thị trường crypto (tiền điện tử) vẫn là khoản đầu tư vô cùng mạo hiểm. Do vậy, người tham gia cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra các quyết định của mình.
Theo Trâm Anh/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/san-tien-ao-ftx-ben-bo-pha-san-nha-dau-tu-lo-khong-rut-duoc-tien.html