Phát triển vận tải hành khách công cộng: Tăng chất lượng xe buýt để thu hút hành khách
Vẫn còn những hạn chế
Tại Hà Nội, xe buýt hiện vẫn là loại hình vận tải hành khách công cộng chủ đạo. Nói về việc lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển thường xuyên, chị Trương Thị Minh Huyền, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, xe buýt có nhiều lợi ích, đặc biệt là với đối tượng học sinh, sinh viên.
Dễ thấy, ưu điểm đầu tiên là xe buýt giúp tiết kiệm 1 chi phí rất lớn khi giá vé liên tuyến là 100.000 đồng/tháng không kể số lượng chuyến đi; 1 tuyến là 55.000 đồng - đây là một con số cực kì ấn tượng và còn có ưu đãi, hỗ trợ cho sinh viên nếu so với sử dụng các phương tiện xe máy và ô tô.
Ngoài ra, đi xe buýt sẽ được cải thiện về sức khỏe khi người tham gia ít hít phải khói bụi ô nhiễm. Một “điểm cộng” nữa mà chị Trương Thị Minh Huyền nhận thấy đó là đi xe buýt sẽ rèn luyện thói quen đi bộ. Cụ thể, như với cá nhân chị, việc đi bộ từ 6.000 tới 10.000 bước mỗi ngày ra điểm đón buýt sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ, rèn luyện sự đúng giờ.
Xe buýt là loại hình vận tải hành khách công cộng chủ lực của Thủ đô. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Đáng chú ý, hiện loại hình vận tải hành khách công cộng là xe buýt đã có sự phục hồi. Theo Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2022, hệ thống xe buýt đã thu hút được 215 triệu lượt hành khách, đạt doanh thu đạt trên 400 tỷ. Sản lượng hành khách bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ đầu Quý II/2022 (Quý II/2022 tăng 124,1% so với Quý I/2022, gấp 2,2 lần; Quý III/2022 tăng 1% so với Quý II/2022).
Bên cạnh những ưu điểm của xe buýt, theo ghi nhận, loại hình vận tải hành khách công cộng này vẫn còn những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, thời gian di chuyển của xe buýt tương đối chậm. Theo tính toán, thời gian di chuyển của xe buýt thường dài gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với xe máy, ô tô cá nhân. Trong giờ cao điểm, trên xe đông hành khách nên khá bất tiện, chật chội. Ngoài ra, người dân đi xe buýt còn lo ngại trước vấn nạn trộm cắp, móc túi, những hành vi thiếu chuẩn mực trên xe.
Tiếp tục tăng chất lượng
Để tăng sức hút của xe buýt với hành khách, ông Nguyễn Văn Dư - chuyên gia giao thông cho rằng, việc đầu tiên cần làm là phải phát triển hạ tầng giao thông công cộng, phủ kín mạng lưới để làm sao người dân ở tất cả mọi nơi đều có thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi nhất cho hành khách khi sử dụng loại hình vận tải này. Sau khi vai trò từng bước được khẳng định, hành khách sẽ dần hình thành thói quen sử dụng, từ đó từng bước hạn chế được phương tiện giao thông cá nhân.
Quanh vấn đề này, tại tọa đàm “Giải pháp để hút khách đến với vận tải công cộng” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, vận tải công cộng của Thủ đô ngày càng đa dạng về tuyến và loại hình phương tiện.
Hà Nội cũng đã và đang bổ sung thêm các tuyến xe buýt điện; đồng thời, đang từng bước thay thế các phương tiện cũ. Thí điểm triển khai một số điểm sử dụng năng lượng mặt trời tại một số nhà chờ để người dân tra cứu kịp thời thông tin; xây dựng hệ thống vé thông minh, liên thông giữa xe buýt và tàu điện... Đây là những đổi mới theo hướng có lợi cho người dân để khuyến khích người dân tham gia sử dụng vận tải công cộng. Chính sách trợ giá cũng giúp nhiều người, nhất là những người thu nhập còn hạn chế có thể tiếp cận xe buýt dễ dàng hơn.
Thời gian qua, hành khách tìm đến xe buýt ngày một đông, góp phần giảm lượng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Thực tế, thời gian qua công tác vận hành, quản lý hệ thống xe buýt Thủ đô đã có nhiều cải thiện, từng bước khắc phục những bất cập từ đó thu hút người dân. Việc linh hoạt điều chỉnh tuyến xe buýt căn cứ trên nhu cầu của chính quyền địa phương, hay các đơn vị có lượng hành khách lớn là ví dụ.
Cụ thể, cách đây ít lâu, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có ý kiến điều chuyển tuyến tại cơ sở của trường ở khu vực Hòa Lạc để đáp ứng được nhu cầu của sinh viên. Nắm bắt được nhu cầu này, sau khi có sự khảo sát, đánh giá, các đơn vị như Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xin ý kiến của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội điều chỉnh tuyến buýt. Đến nay công tác này đã từng bước phát huy hiệu quả, đưa xe buýt đến gần hơn đối tượng là học sinh, vinh viên.
Ngoài ra, hiện các đơn vị khai thác, vận hành hệ thống xe buýt cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng vận tải, đặc biệt là thái độ phục vụ của lái xe, phụ xe, từ đó từng bước khẳng định sự an toàn, tiện lợi, hiện đại của loại hình vận tải hành khách công cộng này.