Nợ bảo hiểm xã hội - Kỳ 1: Điểm mặt những "đại gia" chây ì
Yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tham gia BHXH, BHYT cho tất cả người lao động Chăm con nhỏ mắc COVID-19 có được cấp chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH? Điểm tựa an sinh ổn định cuộc sống |
Nối dài danh sách nợ đọng BHXH
Khi người lao động đặt bút ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp, thì một trong những quyền lợi chính đáng, hợp pháp mà người lao động được hưởng đó chính là quyền lợi về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên thực tế cho thấy, không ít đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động còn nợ đọng BHXH kéo dài, thậm chí cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, nhất là khi người lao động bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…
Theo số liệu của BHXH thành phố Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2022 tổng số đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH là 47.633; trong đó, tổng số tiền nợ đọng BHXH, BHYT toàn Thành phố là 4.904,4 tỷ đồng (tăng 144,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021); số tiền nợ phải tính lãi là 1.822,6 tỷ đồng.
Mặc dù cơ quan BHXH thành phố Hà Nội thường xuyên đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp để thu hồi công nợ; tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thậm chí phải tuyên bố phá sản, thì nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ, hoặc đóng đối phó theo kiểu “nhỏ giọt”.
Danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH trên địa bàn thành phố Hà Nội tính đến 30/6/2022 |
“Tiêu biểu” trong danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH của BHXH thành phố Hà Nội có thể thấy, bên cạnh những doanh nghiệp tư nhân nhỏ, với số lượng lao động một vài người, thì cũng xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tiếng… nhưng vẫn nằm trong danh sách các đơn vị nợ đọng BHXH.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp có số nợ đọng BHXH lớn, thời gian nợ kéo dài đến vài năm, thậm chí đã được thanh kiểm tra nhiều lần, nhưng vẫn không chấp hành nghiêm kết luận thanh tra.
Đứng đầu trong danh sách nợ đọng BHXH là Công ty Cổ phần Anh ngữ APAX (trụ sở tại tầng 10, tòa nhà 14 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội), đơn vị có số lao động là 440 người, nhưng số tháng nợ đọng BHXH là 29 tháng, với tổng số tiền nợ đọng BHXH là 48.193.290.558 đồng.
Tiếp ngay sau đó là cái tên quen thuộc, Công ty Cổ phần LILAMA3 (phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm), đơn vị tuy chỉ có 69 lao động, nhưng số tháng nợ đọng BHXH lên đến 97 tháng, với tổng số tiền nợ đọng là 41.655.394.636 đồng.
Bên cạnh đó còn có các đơn vị lớn, uy tín như Công ty Cổ phần Cầu 12, địa chỉ tại phường Phúc Đồng, Long Biên, số tháng nợ đọng BHXH lên đến 65 tháng, tổng số tiền nợ đọng BHXH là 29.777.683.572 đồng.
Ngoài ra, một doanh nghiệp lớn, uy tín trên thị trường đó là Công ty cổ phần Eurowindow, có địa chỉ tại Tòa nhà Eurowindow, số 2 Tôn Thất Tùng (Trung Tự, Đống Đa), cũng có mặt trong danh sách nợ đọng BHXH với thời gian nợ đọng là 7 tháng, số tiền là 25.619.740.069 đồng,…
Muôn vàn lý do…
Từ những số liệu thống kê trên cho thấy, việc các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với người lao động.
Đặc biệt, bên cạnh các chế độ như thai sản, ốm đau, hưu trí, tử tuất… người lao động không được hưởng, thì còn nhiều các chế độ khác như chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, BHTN, BHYT, người lao động cũng sẽ gặp khó khi làm thủ tục để hưởng các chế độ này.
Nhiều người lao động bức xúc khi bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH, chậm chi trả các chế độ phúc lợi xã hội,... |
Trong khi đó, một trong những nguyên nhân được các doanh nghiệp nằm trong danh sách nợ đọng BHXH đưa ra đó là do tác động của suy thoái kinh tế, thậm chí không ít doanh nghiệp còn viện dẫn lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.
Không thể phủ nhận đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhưng bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp dù không bị tác động hoặc đã phục hồi sản xuất trở lại, cũng mượn cớ này để chây ỳ đóng BHXH, BHYT.
Không những vậy, nhiều doanh nghiệp còn cố tình lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách BHXH, chế tài xử lý việc nợ chậm đóng BHXH còn nhẹ và chưa nghiêm để trốn đóng hoặc chiếm dụng BHXH của người lao động...
Đề cập đến vấn đề nợ đọng BHXH, luật sư Hoàng Văn Sản - Giám đốc Công ty luật TNHH Tùng Sơn, cho rằng, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là do tính tuân thủ pháp luật của nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động chưa tốt, nhất là ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp lại quá thiên về lợi nhuận, cố tình không đóng, chây ỳ nộp tiền BHXH, BHTN, BHYT làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Thậm chí, việc nợ đọng BHXH còn diễn ra ngay ở các đơn vị hành chính sự nghiệp có thụ hưởng ngân sách Nhà nước, khiến thực trạng nợ, chậm đóng BHXH trở nên phức tạp hơn.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính là việc một bộ phận không nhỏ người lao động vì công ăn việc làm, thu nhập nên không đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.
Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị, doanh nghiệp cố tình nợ, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động.
Tuấn Minh
(Còn nữa)