Những "cơ hội" cho kinh tế tuần hoàn
Kinh tế Việt Nam ghi nhận tăng trưởng cao trong quý III-2022 Thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Australia |
Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong mô hình kinh tế tập thể để đi tắt, đón đầu xu thế và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận, huy động những nguồn tài chính xanh mà rất nhiều quốc gia, cơ quan, tổ chức cam kết cung cấp. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam còn nhiều thách thức do sự hạn chế của các nguồn lực.
Tại diễn đàn "Kinh tế tuần hoàn trong khởi nghiệp tạo tác động", Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong nhiều năm qua, đã và đang quan tâm đến yêu cầu phát triển bền vững nói chung và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn nói riêng. Xu hướng này một phần là nhằm thích ứng với sự suy giảm về tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường sống, và tư duy “con người cũng phải đóng góp trở lại vào giữ gìn môi trường sống, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng hóa sinh học”.
Sự quan tâm đối với kinh tế tuần hoàn đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại những thành tựu đột phá, khả dụng trên nhiều công đoạn của mô hình kinh tế tuần hoàn như công nghệ số, sinh học,…
Nhiều thị trường phát triển cũng đã lưu tâm hơn đến thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển bền vững, và đã lồng ghép các cam kết liên quan đến nội dung này trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn sẽ giúp đáp ứng hiệu quả hơn quy tắc xuất xứ (Ảnh minh họa: Bảo Thoa) |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 từ năm 2020, các quốc gia cũng nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng; nhiều nền kinh tế đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về lộ trình cắt giảm phát thải ròng. Theo đó, phát triển kinh tế tuần hoàn được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng, có thể nói là “không thể đảo ngược được”.
"Dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, đất nước ta đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi mà chúng ta đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, và công nghiệp hóa, trong khi còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống sang cách tiếp cận đa chiều, hiện đại, kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên (bao gồm đất đai), lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước", bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Hồng Minh đưa ra 3 "cơ hội" chính cho kinh tế tuần hoàn. Thứ nhất, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tạo cơ hội và động lực quan trọng nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, đồng thời thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Thứ hai, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tạo điều kiện để Việt Nam khai thác hiệu quả hơn các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Một mặt, Việt Nam đang có chủ trương phát triển liên kết vùng, và hoàn thiện thể chế liên kết vùng. Một lĩnh vực quan trọng là liên kết vùng trong tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại để phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương trong vùng.
Tổ chức được các mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn ở cấp vùng sẽ bảo đảm nguồn lực “quay vòng” và “khép kín” hơn ở từng vùng, qua đó giúp bảo đảm nguồn đầu vào hiệu quả cho quá trình sản xuất. Mặt khác, tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn ở Việt Nam sẽ giúp đáp ứng hiệu quả hơn quy tắc xuất xứ, và cam kết về thương mại và phát triển bền vững trong các hiệp định thương mại tự do. Cần lưu ý, trong năm 2021, mức độ tận dụng ưu đãi trong hiệp định CPTPP mới chỉ đạt 6,3% và trong EVFTA mới chỉ đạt hơn 20%, tức là dư địa để cải thiện còn rất nhiều.
Thứ ba, sớm có chủ trương và lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận nhanh và hiệu quả hơn đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển từ các đối tác. Ngay cả trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đều có các chương riêng về Hợp tác và nâng cao năng lực, trong đó có cam kết của các đối tác ở trình độ phát triển hơn về việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, có thể bao gồm trong các lĩnh vực gắn với phát triển bền vững như mô hình kinh tế tuần hoàn. Điều quan trọng lại là từ phía Việt Nam: nếu có tư duy và bước đi phù hợp, thì các đối tác phát triển có thể cân nhắc các hướng hỗ trợ kịp thời và hiệu quả hơn.
Đối với lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, bà Trần Thị Hồng Minh cho hay: "Với nhận thức về xu thế và cơ hội từ phát triển kinh tế tuần hoàn, ngay từ cuối năm 2019, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mà trực tiếp là cá nhân tôi đã chủ động đề xuất thực hiện những nghiên cứu cơ bản, và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ về việc xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam từ đầu năm 2021. Trên cơ sở tham mưu của chúng tôi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7 tháng 6 năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam".
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, mặc dù nhấn mạnh yêu cầu phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần sớm có những “điển hình tốt” về xây dựng và thực thi chính sách kinh tế tuần hoàn, để tin theo, làm theo. Doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ khó có thể chờ tới 5 năm, 10 năm để các bộ, ngành hoàn thiện các chính sách trên nhiều lĩnh vực.
Bảo Thoa