Nghịch lý giá cước vận tải
Ban hành danh mục chi tiết mạng lưới vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc |
Giá cước “án binh bất động”
Sau một thời gian liên tục tăng cao, trong khoảng hơn một tháng vừa qua, với sự điều chỉnh của các cơ quan quản lý Nhà nước, giá xăng, dầu trong nước đã liên tục giảm mạnh.
Cụ thể, trong 6 lần điều chỉnh gần nhất, giá xăng, dầu hiện đã giảm tới hơn 20% so với cách đây hơn một tháng. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các DN vận tải cần điều chỉnh giảm giá vé cho phù hợp với giá nhiên liệu trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, hầu như tất cả các DN vận tải khách đường bộ vẫn “án binh bất động” để mặc cho giá vé neo cao.
Hoạt động vận tải tại bến xe Nước Ngầm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Khảo sát tại một số tuyến xe khách trọng điểm tại khu vực phía Bắc cho thấy, giá vé các nhà xe niêm yết gần như vẫn giữ nguyên như tại thời điểm trước đây hơn một tháng, khi giá xăng, dầu chưa giảm. Đơn cử như tuyến Hà Nội – Lào Cai, giá vé giường nằm được bán cho khách dao động từ 210.000 - 220.000 đồng/lượt. Hay như tuyến Hà Nội – Vinh (Nghệ An), giá vé giường nằm được các nhà xe niêm yết ở mức 270.000 – 290.000 đồng/lượt.
Các tuyến khác như Hà Nội – Thanh Hóa, Hà Nội – Cao Bằng, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Hà Giang... giá vé được niêm yết vẫn giống như cách đây hơn 1 tháng. Điều này có nghĩa, dù giá xăng, dầu đã giảm tới hơn 20% trong thời gian gần đây nhưng giá vé xe khách vẫn không hề giảm.
Lý giải cho việc giữ nguyên giá vé khi giá xăng, dầu đã giảm, đại diện các DN vận tải cho rằng, mức giá vé hiện nay họ đang niêm yết trên thực tế đã được họ áp dụng từ đầu năm 2022. Từ đó đến nay, trải qua nhiều lần biến động lớn về giá của xăng, dầu, trong đó có nhiều đợt tăng phi mã hồi đầu năm nhưng các DN vận tải vẫn giữ nguyên giá vé. Bởi vậy, hiện nay, dù giá xăng dầu đã giảm hơn 20% so với thời điểm hơn một tháng trước nhưng các nhà xe vẫn giữ nguyên giá vé là phù hợp.
Anh Trần Văn Tuấn – quản lý một hãng xe khách chạy tuyến Hà Nội – Nghệ An cho biết, giá xăng, dầu tăng cao trùng với thời điểm các DN vận tải bắt đầu khôi phục hoạt động kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều tới đà phục hồi của các DN.
Trên thực tế, hồi đầu năm 2022, khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao, DN vận tải của anh Tuấn cũng như nhiều nhà xe khác vẫn cố gắng cầm cự, cân đối thu – chi để duy trì hoạt động chứ chưa dám tăng giá vé ngay. “Mãi sau này khi không còn đủ sức để bù vào giá nhiên liệu, nhân công, bến bãi, chúng tôi mới điều chỉnh tăng giá vé nhưng chỉ dám tăng nhẹ” – anh Tuấn nói.
Quan trọng nhất là bình ổn giá xăng, dầu
Trước diễn biến mới của giá xăng, dầu trên thị trường, vừa qua Bộ GTVT có văn bản đề nghị Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Ngay sau đó, Sở GTVT TP Hà Nội cũng có văn bản đề nghị các DN vận tải kê khai và giảm giá cước khi giá xăng đã giảm sâu 6 đợt, tỷ lệ giảm lên đến hơn 20% so với cách đây hơn một tháng.
Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh, các DN cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP cần rà soát các chi phí cấu thành giá, thực hiện kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu tiếp tục giảm; thực hiện lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá đã kê khai theo quy định. Tất cả các tổ chức cá nhân lợi dụng để tăng giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn TP đều sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo các chuyên gia, thủ tục điều chỉnh giá cước đối với dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô mà cụ thể là đối với xe khách và xe taxi hiện nay tương đối phức tạp.
Theo đó, DN nào muốn điều chỉnh giá cước thì phải đăng ký với cơ quan chức năng. Sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận, họ mới tiến hành niêm yết giá cước để hành khách biết. Từ lúc bắt đầu làm thủ tục đăng ký điều chỉnh giá cước đến khi chính thức niêm yết giá cước mới có khi mất cả tháng. Chính bởi thủ tục phức tạp và mất thời gian nên nhiều DN vận tải thường rất ngại điều chỉnh nếu không phải trong tình huống bất khả kháng.
Ngoài ra, cũng vì thời gian thực hiện thủ tục khá lâu nên nhiều khi lúc đăng ký điều chỉnh giá cước, thì giá xăng, dầu đang giảm nhưng đến khi giá cước mới được niêm yết, giá xăng, dầu đã quay đầu tăng (và ngược lại). Điều này khiến cho việc điều chỉnh giá cước không theo sát được với diễn biến thực tế trên thị trường.
PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhận định, việc giá xăng, dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây là một tín hiệu đáng mừng không chỉ cho lĩnh vực vận tải mà cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, điều quan trọng là giá xăng, dầu phải giữ được sự ổn định bởi đây là mặt hàng có tác động lớn lên gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội.
“Không phải cứ xăng, dầu tăng là phải tăng giá cước vận tải và ngược lại. Cách làm này chỉ mang tính đối phó, không mang lại hiệu quả cao và lâu dài. Điều quan trọng nhất vẫn là bình ổn được giá xăng, dầu để DN vận tải yên tâm xây dựng kế hoạch kinh doanh còn người dân yên tâm mỗi khi gọi taxi hay bắt xe khách” – chuyên gia Ngô Trí Long cho hay.
"Có thể các thủ tục điều chỉnh giá phức tạp nhưng các DN vận tải và hiệp hội nghề nghiệp cũng nên có các giải pháp điều chỉnh giá cước cho phù hợp. Đã hoạt động theo thị trường thì cũng phải có sự phản ứng, điều chỉnh theo thị trường cho hợp lý. Việc này là vừa thể hiện sự chuyên nghiệp, sòng phẳng, vừa tôn trọng khách hàng."- Chủ tịch Hiệp hội Vân tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền "Từ đầu năm đến tháng 6 vừa qua, giá xăng, dầu có ít nhất 3 lần lập đỉnh mới, tuy nhiên khoảng 500 lượt xe xuất bến mỗi ngày tại bến trong thời gian này (công suất bến 1.200 lượt xe/ngày) đã không tăng giá vé. Đến nay, sau khoảng một tuần giá xăng giảm 20% so với tháng 6, bến xe cũng chưa ghi nhận có DN vận tải xe khách liên tỉnh nào thông báo điều chỉnh giá." - Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành |
Theo Nguyễn Quý/kinhtedothi.vn