Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy tại các hộ gia đình nằm trong ngõ sâu
Nguy hiểm chực chờ
Theo tìm hiểu, quận Bắc Từ Liêm là nơi có mật độ dân số đông, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Tuy nhiên, đây lại là địa bàn có nhiều gia đình sống trong ngõ nhỏ, rất khó tiếp cận khi hỏa hoạn xảy ra, điển hình như phường Xuân Đỉnh, bên cạnh trục đường lớn như đường Xuân Đỉnh, Phạm Văn Đồng chạy qua thì phường có không ít con ngõ nhỏ và sâu, thậm chí có những ngách chỉ vừa đủ cho một xe máy đi vào. Đặc biệt, đây còn là địa điểm nổi tiếng với nghề làm bánh trung thu truyền thống với hàng chục cửa hàng. Cạnh đó, phường cũng là địa bàn có nhiều hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh kết hợp nhà ở… với điều kiện phòng cháy, chữa cháy chưa đầy đủ.
Mặc dù đã có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, nhưng do địa hình phức tạp, công tác phòng cháy, chữa cháy tại phường vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số vụ cháy, khi xảy ra, lực lượng chức năng phải mất hàng giờ để tiếp cận do địa điểm xảy ra cháy nằm sâu trong ngõ nhỏ, các phương tiện chuyên dụng không thể tiếp cận mà phải tiến hành nối vòi chữa cháy từ đầu ngõ rồi kéo vào để dập lửa.
Tương tự tại phường Xuân Tảo, theo Chỉ huy trưởng quân sự phường Nguyễn Mạnh Chiến, trên địa bàn phường có 35 cơ sở thuộc diện quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 23 cơ sở nguy hiểm cháy, nổ, tập trung nhiều khu đô thị và nhà cao tầng…
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy quận Bắc Từ Liêm mở lối thoát hiểm, cứu người trong đám cháy. |
Tuy nhiên, trên địa bàn phường chỉ có một phần đường Xuân Đỉnh và đường Xuân La có chiều dài khoảng 500m và đường nội bộ trong Khu Ngoại giao đoàn, khu đô thị StarLake là xe chữa cháy có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra. Trong khi đó phường có 6 ngõ nhỏ với chiều dài trên 200m, xe chữa cháy khó hoặc không thể tiếp cận được khi có sự có cháy, nổ. Trên địa bàn chỉ có 2 trụ nước chữa cháy của Thành phố… dẫn đến việc phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ riêng phường Xuân Tảo và Xuân Đỉnh mà hầu hết các phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đều đang phải đối mặt với tình trạng trên. Chia sẻ về nỗi lo này, bà Đỗ Thị Dung (phường Cổ Nhuế 2) cho hay: “Gia đình tôi cả 3 thế hệ đều chung sống trong một ngôi nhà nhỏ ở cuối ngõ. Chúng tôi lấy việc bán hàng tạp hóa làm thu nhập chính. Biết việc trong nhà có nhiều đồ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ nên chúng tôi đã trang bị thêm các bình cứu hỏa ở dưới cửa hàng, thế nhưng, mỗi khi nghĩ tới việc có cháy xảy ra tôi lại không khỏi lo lắng. Vì ở khu tôi từng xảy ra cháy, với những nhà nằm trong ngõ vừa bé sâu như thế này xe cứu hỏa không tiếp cận được, đợi đến khi lực lượng chức năng vào tới nơi thì chí ít đồ đạc cũng đã bị thiêu rụi hết”.
Đẩy mạnh phòng cháy, chữa cháy tại chỗ
Thực tế, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã xảy ra nhiều vụ cháy tại các hộ gia đình nằm trong ngõ sâu. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng, hậu quả mà vụ cháy để lại cho người dân là không nhỏ. Hiểu rõ việc phòng cháy, chữa cháy tại các địa điểm này không thể chỉ trông chờ vào lực lượng chuyên nghiệp mà cốt yếu vẫn phải được thực hiện bởi chính những người trong gia đình và cư dân xung quanh, vậy nên, những năm qua, quận Bắc Từ Liêm đã đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy trong toàn dân theo phương châm “4 tại chỗ”.
Thượng tá Bùi Đăng Tuấn - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, quận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu rõ nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ thường gặp, mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cho người dân cách phòng, tránh và các sử dụng các thiết bị chữa cháy cá nhân. Đa số người dân khi nhận được giấy mời của quận đều có mặt đầy đủ và nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của các cán bộ, chiến sĩ. Những người đã tham gia tập huấn, cơ bản đều biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy, biết cách thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra.
Quận Bắc Từ Liêm mở lớp tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho người dân. |
“Đặc biệt, năm 2021, Công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã tiến hành triển khai mô hình “Hộ gia đình an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ” và triển khai rộng rãi trên các phường thuộc quận. Đến năm 2022, sau thời gian xem xét và thông qua việc đăng ký của các phường, quận đã lựa chọn phường Xuân Đỉnh là phường thí điểm để nhân rộng mô hình”, Thượng tá Bùi Đăng Tuấn cho biết.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Xuân Đỉnh cho hay, trong những năm gần đây, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp. Trung bình, mỗi năm nước ta xảy ra hàng nghìn vụ cháy, nổ, tai nạn làm chết và bị thương hàng trăm người, gây thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Đối với phường Xuân Đỉnh, qua khảo sát cho thấy, đây là một địa bàn khá phức tạp với loại hình nhà cao tầng, thấp tầng xen kẽ, nhiều hộ gia đình trong ngõ sâu, xe chữa cháy khó đi vào, nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao.
Vì vậy, phường đã tiến hành lấy ý kiến người dân và mạnh dạn đăng ký với quận để trở thành phường thí điểm nhân rộng mô hình “Hộ gia đình an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ”, đồng thời tổ chức lớp tuyên truyền, huấn luyện phòng cháy, chữa cháy cho các đồng chí là Tổ trưởng tổ dân phố, thành viên các tổ dân phòng tại 24 tổ dân phố trên địa bàn và các hộ gia đình ở trong ngõ sâu.
Lực lượng chức năng quận hướng dẫn người dân mở lối thoát hiểm ở chuồng cọp. |
Thông qua mô hình đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, và xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy, xây dựng và củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ ở khu dân cư theo phương châm 4 tại chỗ; đảm bảo công tác phòng ngừa, xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra, hạn chế cháy lan, cháy lây.
“Để triển khai mô hình, lực lượng phòng cháy, chữa cháy quận, phường đã tiến hành tập huấn những kỹ năng cơ bản trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và trang cấp một số phương tiện chữa cháy như bình bọt, bình khí CO2, mặt nạ phòng độc cho người dân… qua đó nhằm đảm bảo xử lý nhanh, hiệu quả các vụ sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu, không để phát sinh gây hậu quả. Mô hình này cũng được người dân hưởng ứng tích cực và tham gia đầy đủ, ông Thạch khẳng định.
Là một trong những người hưởng ứng, triển khai mô hình nhiệt tình, ông Lê Ngọc Tĩnh - Tổ trưởng Tổ dân phố Tân Xuân 1 (phường Xuân Đỉnh) chia sẻ: “Khi có sự cố cháy nổ mỗi người cần phải biết và vận dụng các kiến thức để có thể cứu sống bản thân cũng như gia đình. Suy cho cùng, lúc nguy hiểm mình phải tự cứu bản thân trước, vì vậy, những tập huấn về phòng cháy, chữa cháy như thế này thực sự rất bổ ích. Sau khi nghe giảng về, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền đến mỗi người dân trong tổ dân phố và quyết tâm không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào trên địa bàn do cháy, nổ gây ra”.