Mức chiết khấu xăng dầu thấp: Nhiều khó khăn với doanh nghiệp bán lẻ
Vẫn chực chờ nỗi lo thiếu xăng dầu Giám sát 21 cửa hàng xăng dầu: Thiếu xăng RON 95 chỉ là tạm thời |
Khách hàng mua xăng tại một cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Đỗ Tâm |
Anh Nguyễn Thanh Tùng, ở ngõ 354/7 đường Lê Duẩn (phường Phương Liên, quận Đống Đa) phản ánh: “Mấy ngày qua, tôi đến cây xăng 48 đường Thanh Nhàn thì thấy quây rào sắt với lý do nhập hàng. Đến cây xăng 436 đường Trần Khát Chân thì treo biển hết xăng. Phải đi đến cây xăng thứ 3 trên phố Trần Hưng Đạo, tôi mới mua được xăng...”.
Lý giải điều này, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Ô tô vận tải Hà Tây (đại lý bán lẻ xăng, dầu tại Hà Nội) Hoàng Thị Lệ Mỹ cho biết, tình trạng cây xăng bán hàng cầm chừng là có. Bên cạnh việc nguồn hàng có khó khăn cục bộ, thì cái khó nhất với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện nay là tỷ lệ chiết khấu đối với các đại lý. “Đơn vị chúng tôi là đại lý nhượng quyền của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nên nhận được mức chiết khấu là 240 đồng/lít xăng đối với khu vực I. Mức này quá thấp, chỉ đủ trang trải phí vận chuyển xăng, dầu về đến cửa hàng. Trong khi đó, chi phí kinh doanh còn bao gồm tiền kho bãi, lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, tỷ lệ hao hụt xăng dầu. Ít nhất mức chiết khấu phải là 700 đồng/lít xăng thì doanh nghiệp mới duy trì được hoạt động” - bà Hoàng Thị Lệ Mỹ nói.
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành xăng dầu đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Tài chính điều chỉnh các khoản chi phí trong công thức tính giá cơ sở. Cùng với đó, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh và phản ánh kịp thời các khoản chi phí tính toán trong công thức giá cơ sở xăng dầu để giảm bớt áp lực cho các thương nhân đầu mối, bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có tích lũy và tái đầu tư. Mới đây nhất (ngày 14-9), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có Công văn số 1429/PLX-CSKD, về việc chi phí kinh doanh xăng dầu gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, Petrolimex thông tin, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở chưa được kết cấu đủ trong giá cơ sở từ chu kỳ điều hành giá ngày 11-7-2022 đến nay đã tạo ra khó khăn lớn đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chia sẻ thù lao, chiết khấu cho các thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân phân phối. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rơi vào tình trạng lỗ, không có đủ nguồn lực để bù đắp chi phí phát sinh; các thương nhân nhận quyền bán lẻ, phân phối hoạt động cầm chừng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trên thị trường phân phối xăng dầu nội địa, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ngay từ thời điểm tháng 2-2022, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014. Theo báo cáo tổng hợp về premium (khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu, coi như lợi nhuận của bên bán) trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, qua rà soát của Bộ Tài chính thực tế đã tăng. Tuy nhiên, Bộ mới chỉ điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam mà chưa điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh, dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí…
Từ thực trạng trên, cơ quan chức năng cần sớm rà soát và thông báo áp dụng mức chi phí phù hợp với thực tế phát sinh để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu. Có như vậy mới bảo đảm sự ổn định của thị trường xăng dầu, giúp doanh nghiệp yên tâm trong kinh doanh phục vụ nhu cầu người dân.
Theo Thanh Hải/hanoimoi.com.vn