Kinh tế số, động lực tăng trưởng mới
CPI khó giữ được ở mức tăng dưới 4% trong năm 2022 |
Vai trò quan trọng trong tổng sản phẩm quốc gia
Kinh tế số là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số. Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Theo nhận định của GS. Trần Thọ Đạt - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023 tổ chức mới đây, tương lai kinh tế số ở Việt Nam vào năm 2025 sẽ chiếm 20% GDP, năm 2030 sẽ chiếm 30% GDP. Kinh tế số còn được cho là con đường đi trong tương lai, là cách để thoát bẫy thu nhập trung bình, cũng là động lực tăng trưởng quan trọng nhất và tạo dư địa và không gian tăng trưởng mới.
Cũng theo GS. Trần Thọ Đạt, trong lịch sử, các cuộc cách mạng công nghiệp nào cũng mở ra một giai đoạn phát triển mới của xã hội loài người. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội thông qua sự phát triển mang tính gắn kết giữa các công nghệ số hóa và dữ liệu. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng các hình thức kinh doanh mới, tạo nên sự thay đổi to lớn, nhanh chóng và sâu sắc mọi mặt của đời sống xã hội. Xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội đang diễn ra rất nhanh ở nhiều quốc gia, đặc biệt tại một số nước đi đầu và các nước đang phát triển.
Vai trò động lực và tác động của kinh tế số trong việc hình thành nên một phương thức tăng trưởng mới thể hiện ở sự xuất hiện nhiều ngành công nghiệp mới và xóa mờ đường biên giới địa lý, các mô hình kinh doanh mới với cốt lõi là tổ chức và phương thức hoạt động dựa trên ứng dụng công nghệ số. Hơn nữa, công nghệ kỹ thuật số phát triển đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng năng suất và hiệu quả, kết quả là kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng trong tổng sản phẩm quốc gia của các nước.
Ngân hàng Thế giới đã nhận định kinh tế số sẽ là tương lai phát triển của nhiều nước. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong quá trình phục hồi hậu Covid-19 diễn ra ở quy mô toàn cầu, nước nào tận dụng thành công cơ hội phát triển kinh tế số sẽ tạo lợi thế cạnh tranh để bứt phá, vươn lên mạnh mẽ.
Châu Á được đánh giá là một khu vực rất năng động và đã có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức nhảy vọt trong thập niên vừa qua, sẽ là trung tâm phát triển công nghệ số và kinh tế số toàn cầu. Một minh chứng, mặc dù là nước đi sau về phát triển công nghiệp, nhưng tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Trung Quốc đã vượt Mỹ.
Nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, Việt Nam được coi là một nước có tiềm năng tăng trưởng kinh tế số mạnh mẽ và dự báo sẽ trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Có thể nói, đây là lần đầu tiên hiếm có trong lịch sử, Việt Nam có cơ hội và thực tế đang đi cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cách mạng chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.
Kinh tế số đang tạo ra những cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng trong bứt tốc phát triển kinh tế đất nước, là động lực quan trọng để đưa nước ta sớm trở thành quốc gia có công nghệ hiện đại và sáng tạo, từ đó rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước khác.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng, phát triển kinh tế số và đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia là phương thức để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, là cách thức để Việt Nam vẽ lên một tương lai phát triển, không chỉ đơn giản là tiếp nối xu hướng của quá khứ mà là đưa nền kinh tế bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới mang tính bứt phá. Kinh tế số có thể đóng góp từ 6,88% đến 16,50% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động tổng thể của cả nền kinh tế trong thập niên này.
Việt Nam có nhiều dư địa phát triển kinh tế số
Theo các chuyên gia, Việt Nam rất cần có một định nghĩa về kinh tế số, được thống nhất rộng rãi, đạt được đồng thuận cao; từ đó đo lường kinh tế số một cách nhất quán để so sánh và xây dựng các giá trị kinh tế số “cơ sở” của một năm, làm căn cứ cho việc đặt mục tiêu phát triển kinh tế số về quy mô và tốc độ phát triển của các ngành và địa phương.
Cùng với đó, cần gia tăng đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nhằm nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ số thiết yếu và rộng khắp, bao quát mọi ngõ ngách của nền kinh tế và đến từng công dân, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được sử dụng những tiện ích do kinh tế số mang lại.
Đặc biệt cần nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho khả năng thích ứng các xu hướng phát triển này đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
“Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, sớm triển khai tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, năng cao năng lực quản trị phù hợp với những mô hình sản xuất, kinh doanh và hợp tác mới”, GS. Trần Thọ Đạt nhận định.
Ông cũng cho rằng, đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động.
Cũng liên quan đến kinh tế số, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia nhận định, kinh tế internet tăng nhanh tại Philippines, Indonesia, Malaysia trong 2 năm qua, nhưng tăng nhanh hơn tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025. Kinh tế số chính là một trong ba động lực rõ nét, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới./.
Theo Bảo Thoa/laodongthudo.vn
https://laodongthudo.vn/kinh-te-so-dong-luc-tang-truong-moi-140208.html