Hà Nội: Đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc
Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân
Tháng 12/2016, từ khi Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, được triển khai, Ban chỉ đạo Thành phố theo dõi, đôn đốc 200 vụ việc.
Quá trình theo dõi, chỉ đạo giải quyết đã có chuyển biến tích cực. Đến tháng 4/2018, Ban chỉ đạo đã rà soát, đối chiếu, tổng hợp vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp với danh sách vụ việc phức tạp, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự và đưa ra khỏi diện theo dõi 50 vụ việc, còn 150 vụ việc tiếp tục theo dõi, chỉ đạo giải quyết.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp công dân định kỳ - tháng 9/2022. (Ảnh: Tiến Thành) |
Đến tháng 12/2021, qua rà soát, kiểm tra đưa tiếp các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp đông người đã giải quyết xong 97 vụ việc ra khỏi diện theo dõi, số còn lại cần tập trung chỉ đạo, theo dõi giải quyết 53 vụ việc. Đến nay, Ban chỉ đạo tiếp tục theo dõi, giải quyết 49 vụ việc (giảm 151 vụ việc so với năm 2016). Trong đó, có 26/53 vụ việc khiếu kiện phức tạp, tiềm ần phức tạp về an ninh trật tự.
Tại Hội nghị sơ kết 6 năm triển khai Chỉ thị số 15-CT/TU, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Trần Văn Khảm cho biết, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở.
Theo ông Trần Văn Khảm, qua 6 năm triển khai Chỉ thị 15, ý thức, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên. Việc kiểm tra rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên. Việc đôn đốc, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo có hiệu lực pháp luật được quan tâm thực hiện.
Qua 6 năm, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, tổ chức bộ máy thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Các đơn vị xác định đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng; đã huy động được sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, nhất là việc xử lý, giải nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, đã được giải quyết dứt điểm.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố duy trì lịch tiếp công dân định kỳ vào ngày thứ Ba tuần thứ 3 hàng tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, đồng thời lãnh đạo khiếu nại tố cáo Thành phố tiếp thu ý kiến của công dân, chỉ đạo xem xét, kết luận, quyết định giải quyết chính xác các vụ việc; yêu cầu các đơn vị tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, nhất là trong việc phối hợp giải quyết các khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.
Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 6 năm triển khai Chỉ thị số 15-CT/TU. (Ảnh: NC) |
Thành phố đã tích cực chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, triển khai đồng bộ tại cấp Thành phố, Thanh tra Thành phố, Công an Thành phố và các quận, huyện, thị xã, sở, ngành,... qua đó đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, đưa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo khách quan, đúng quy trình, quy định.
UBND Thành phố đã có nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Qua giải quyết khiếu nại tố cáo, đã kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần ổn định tình hình và nâng cao tình hình an ninh trật tự, giảm khiếu kiện bức xúc trong dân.
Tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị
Để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo tăng cường tiếp và đối thoại với công dân nhất là vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, không để phát sinh thành "điểm nóng" gây phức tạp về an ninh, trật tự; nghiêm túc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo.
Về cơ bản, việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở các đơn vị được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo khách quan, chính xác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã có chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết các vụ việc tại cơ sở được nâng lên.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước của Thành phố đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý một số sai phạm liên đến công tác quan quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng,... bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên toàn Thành phố.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Khảm cho biết, ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền ở cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; người đứng đầu chính quyền ở một số địa phương chưa chú trọng thực hiện đối thoại với công dân.
Một số ngành và cơ sở còn đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, không giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Còn có trường hợp chưa tuân đúng trình tự, thủ tục, thời hạn, hình thức ban hành văn bản giải quyết chưa đúng quy định.
Để công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực sự có hiệu quả, cần phát huy vai trò trực tiếp của chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Chỉ thị số 15-CT/TU. (Ảnh: NC) |
Kinh nghiệm của Hà Nội trong 6 năm qua là chú trọng giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nơi phát sinh vụ việc; coi trọng công tác dân vận, công tác hòa giải cơ sở; đồng thời, giải quyết vụ việc dứt điểm, có quyết định xử lý, trả lời, giải thích cho công dân rõ ràng; phục hồi quyền lợi cho công dân kịp thời; tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo; có biện pháp xử lý công khai, nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.
Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy so với 6 năm trước khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 15-CT/TU, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số đoàn đông người chưa có chiều hướng giảm, nội dung khiếu nại tố cáo tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mô hình quản lý chợ, quản lý và vận hành nhà chung cư, vấn đề môi trường... với tính chất, mức độ khá gay gắt.
Thành phố cũng xác định thời gian tới tiếp tục triển khai thực hiện nhiều tuyến đường, dự án tuyến đường Vành đai 4, có thể sẽ phát sinh khiếu nại đông người, phức tạp, hiện tượng kích động, lôi kéo, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để tạo áp lực với cơ quan nhà nước, gây mất an ninh, trật tự sẽ phát sinh ở những nơi không làm tốt công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng trong triển khai thực hiện các dự án, không quan tâm đúng mức đến công tác vận động, thuyết phục và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Chính vì vậy, Hà Nội xác định tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, UBND Thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời dứt điểm các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người, các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, các dự án xử lý rác thải của Thành phố, dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới của một số huyện ngoại thành.
Ngoài ra, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc, đồng thời chỉ đạo, giải quyết kịp thời những nội dung còn vướng mắc.