Hà Nội: Đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công
Gỡ nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công |
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sáng 21/2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, về chương trình phục hồi phát triển kinh tế, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Nghị quyết 11, thành phố Hà Nội đã ban hành ngay Kế hoạch 91 của UBND thành phố Hà Nội.
Đến thời điểm hiện tại thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho 2,6 triệu lượt đối tượng, người lao động, người gặp khó khăn sau dịch Covid-19; miễn giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng…
Thực hiện chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm thuế đất năm 2022, Thành phố Hà Nội đã hướng dẫn 100% đối tượng về việc giảm 30% thuế đất.
Hà Nội đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Về việc giải ngân đầu tư công 2022, lãnh đạo Thành phố cho biết, tháng 9/2022 Hà Nội mới giải ngân chưa được 50%, khi đó Thủ tướng đã có đoàn công tác trực tiếp làm việc với thành phố Hà Nội, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác của Thủ tướng, Hà Nội đã chủ động tích cực nhận diện các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, tập trung về trách nhiệm, giá cả...
Xác định công tác giải ngân là nhiệm vụ rất lớn, đến 31/1/2023, thành phố Hà Nội đã giải ngân được hơn 45.000 tỷ đồng (87,8%). Nếu loại trừ vốn ODA của dự án Nhà máy nước thải Yên Xá đã hết thời gian hiệp định vay vốn, Thành phố Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng và đã được Thủ tướng đồng ý gia hạn dự án này đến cuối tháng 5, nếu dự án này được phê duyệt cuối năm ngoái thì thành phố Hà Nội đã giải ngân được thêm 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án này phức tạp nên thành phố Hà Nội đợi sự chỉ đạo của Chính phủ ký sớm để Hà Nội được triển khai ngay dự án này.
Về khó khăn, vướng mắc, thành phố Hà Nội đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đó là có rất nhiều khó khăn về kĩ thuật, quy trình dự án, phân cấp phân quyền. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội mong Thủ tướng trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa có việc gì ủy quyền được cho địa phương, ủy quyền cho các Bộ trưởng thì mong một Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phân cấp phân quyền cho địa phương…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Năm 2023, thành phố Hà Nội đã phân khai ngay gần 47.000 tỷ đồng vốn đầu tư công và phân luôn trách nhiệm chính. Ngay từ đầu năm, thành phố Hà Nội cũng thanh tra công vụ về đầu tư công, thanh tra kết quả năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023. Đến cuối tháng 2/2023, Hà Nội cũng đã giải ngân được hơn 3.600 tỷ đồng (5,5% kế hoạch năm 2023).
Về kiến nghị, ngoài kiến nghị về vốn ODA cho nhà máy nước thải Yên Xá, lãnh đạo Thành phố nêu còn có dự án đường Nhổn - ga Hà Nội cũng đã hết thời gian hiệp định vay vốn đến 31/12, Thủ tướng cũng đã kiểm tra dự án và Hà Nội đã báo cáo tiến độ từ cuối tháng 11 mà đến tháng 1/2023 mới có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng xuống Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Hà Nội đã thông qua, thẩm định và chịu trách nhiệm về con số đó, bây giờ chỉ còn lại thủ tục và quy trình đang quá chậm.
Liên quan đến Luật Đầu tư công, lãnh đạo Thành phố cho rằng không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác cũng đang gặp vướng với câu chuyện phải có đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư… Chính vì vậy mong muốn được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo, giải được vấn đề về bố trí vốn.