Hà Nội cấp tập hoàn thành, khởi công một loạt dự án tiến tới xóa ùn tắc giao thông
Gian nan kéo giảm ùn tắc giao thông Hà Nội: Cần tháo gấp ùn tắc giao thông tại Ngã Tư Sở |
Mạng lưới hầm chui nội đô dần hình thành
Hầm chui nút giao Lê Văn Lương- Vành đai 3 vừa đi vào sử dụng sáng 5/10, trong ngày đầu do việc tổ chức giao thông chưa được điều chỉnh nên có xảy ra ùn tắc vào các khung giờ cao điểm sáng và chiều.
Tuy nhiên, những ngày giữa tháng 10, tình hình giao thông qua nút giao Lê Văn Lương- Vành đai 3- Tố Hữu đã thông thoáng hơn, chỉ còn ùn nhẹ cục bộ do lưu lượng giao thông trên trục này quá lớn, trong khi tiết diện mặt đường và lối dẫn xuống hầm- lên hầm không thể đáp ứng được. Dù vậy thì tình hình giao thông qua khu vực này được cải thiện rõ rệt.
Anh Nguyễn Đồng Minh ở KĐT Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi công tác tại một cơ quan trên đường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm nên ngày hai chiều phải lưu thông qua nút giao này, và thời điểm khi hầm chui chưa hoàn thành nó gần như là nỗi ám ảnh về tắc đường.
Tuy nhiên, từ ngày có hầm chui Lê Văn Lương hoàn thiện, tình trạng ùn tắc tại nút giao này đã được cải thiện rõ rệt. Tôi rất mong Hà Nội ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, bên cạnh việc mở thêm các tuyến đường mới thì với các tuyến trong nội đô có thể xem xét đầu tư cầu vượt, hầm chui tại các nút giao”.
Hầm chui Lê Văn Lương giúp cải thiện tình hình giao thông qua khu vực này |
Tiếp đó, vào sáng 6/10, TP Hà Nội tiếp tục khởi công xây dựng hầm chui Giải Phóng- Kim Đồng với gần 780 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Hầm chui này dự kiến sẽ được thi công trong giai đoạn 2022-2025.
Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, khi hầm chui Kim Đồng và đoạn tuyến Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) - Vành đai 3 hoàn thành, toàn bộ vùng đệm cho cửa ngõ phía Nam thành phố sẽ hình thành mạng lưới giao thông ô bàn cờ, giải quyết hầu như toàn bộ tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.
Trong sáng 7/10, Hà Nội tiếp tục khởi công dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 có tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội.
Phối cảnh dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 |
Tăng cường việc tiếp cận với metro
Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội là dự án thuộc Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Dự án gồm 3 hợp phần. Trong đó hợp phần 1 xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi nghiên cứu (bán kính 100 - 500m của các nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 3.
Mở rộng đường Cầu Giấy cho người đi bộ; cải tạo, chỉnh trang, thảm lại mặt đường bằng bê tông nhựa; sơn kẻ, tổ chức giao thông khu vực các nhà ga số 8,9,10,11,12; cào bóc, xử lý móng, mặt đường tại các vị trí hư hỏng; sơn kẻ, tổ chức giao thông đoạn từ ga 6 đến ga 8 (đoạn Xuân Thủy - Cầu Giấy). Cùng đó. cải tạo đồng bộ hè, đường, tổ chức giao thông đoạn từ Nhổn - Xuân Thủy (từ ga số 1 đến ga số 6).
Hợp phần 2 thí điểm sử dụng loại xe buýt có lượng phát thải thấp và công nghệ mới (xe điện); sử dụng Hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên xe buýt và Hệ thống thông tin kiểm soát vận hành.
Cải thiện trạm dừng xe buýt giữa các ga đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ bảo dưỡng, hạ tầng dịch vụ, hệ thống trạm sạc (depot) tại khu vực Trạm trung chuyển đa phương thức, điểm đỗ xe công cộng và điểm đầu cuối xe buýt tại phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm).
Hợp phần 3 nghiên cứu các chính sách và quy định. Trong đó khuyến khích sử dụng giao thông công cộng; hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; hạn chế phát thải.
Dự án được thực hiện trên địa bàn 6 quận, gồm: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm.
Tháng 11 tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục khởi công dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và Trung ương hỗ trợ, thực hiện giai đoạn 2022 - 2027.
Đoạn đường dài 21,7km, điểm đầu tại địa phận Ba La, quận Hà Đông, điểm cuối tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, mặt cắt ngang 50 - 60m.
Theo Ngân Tuyền/anninhthudo.vn