Hà Nội cần thu hút, trọng dụng nhân tài bằng lợi ích đặc biệt hấp dẫn
Đề xuất chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô Năm 2024, Hà Nội đẩy mạnh truyền thông dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) |
Cụ thể chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao
Chiều 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị và Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học “Thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị và TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo.
Tham luận về “Vai trò của phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội”, Ths Nguyễn Thị Hồng Thúy - Trường Đại học Luật Hà Nội nhìn nhận, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài hiện hành của thành phố Hà Nội chưa đủ sức hấp dẫn, mới chỉ đưa ra chính sách tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể để thu hút đầu vào; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập và thăng tiến cũng như các điều kiện đãi ngộ khác; chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư.
Toàn cảnh hội thảo. |
Chính vì thiếu cơ chế, thiếu nguồn lực thực hiện việc đãi ngộ, đặc biệt là nguồn lực tài chính nên chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn.
“Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa vấn đề chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một chính sách đúng đắn, cần thiết đối với Hà Nội hiện nay.
Trong nền kinh tế tri thức, cạnh tranh chủ yếu là cạnh tranh “chất xám”, cạnh tranh “nhân tài”, quốc gia nào, địa phương nào có được nguồn nhân lực chất lượng cao, với đội ngũ nhân tài hùng mạnh, quốc gia đó, địa phương đó có khả năng phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Các quy định trong Dự thảo Luật về cơ bản là có tính khả thi, có thể tạo ra cú hích cho phát triển nguồn nhân lực Thủ đô”, bà Thúy nói.
Để hoàn thiện hơn Dự thảo Luật, cũng như chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc triển khai thi hành Luật (sau khi Dự thảo được thông qua), Ths Nguyễn Thị Hồng Thúy cho rằng, cần quy định rõ hơn khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện của nguồn nhân lực chất lượng cao. Có thể đưa vào Điều 2 Dự thảo Luật (giải thích từ ngữ) về khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng điều khoản riêng về tiêu chuẩn, điều kiện nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, ít nhất là ở 3 chế độ: Thu nhập, nhà ở, vị trí việc làm phù hợp.
Trọng dụng nhân tài bằng lợi ích đặc biệt hấp dẫn
“Hiện nay, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa quy định rõ nội dung về chế độ, chính sách riêng cho nhân lực chất lượng cao, mới chỉ có chế độ tiền lương thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô nói chung. Cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác mới có thể giữ nhân lực chất lượng cao làm việc lâu dài tại Thủ đô”, bà Thúy nói.
Ths Nguyễn Thị Hồng Thúy cũng cho rằng, có thể học hỏi kinh nghiệm của nhiều quốc gia hoặc địa phương về vấn đề này. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc có những chính sách đãi ngộ rất thỏa đáng với đội ngũ trí thức tài năng. Lương của các nhà khoa học không theo thang bậc lương chung mà được trả theo kết quả công việc.
Đối với trí thức trẻ, Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ về kinh phí để đào tạo nâng cao trình độ, cải thiện điều kiện sinh hoạt bằng cách cho vay tiền với lãi suất ưu đãi để mua nhà, mua ô tô, tạo điều kiện làm việc và nghiên cứu khoa học…
Theo bà Thúy, Hà Nội cần đưa ra chính sách trọng dụng nhân tài bằng lợi ích đặc biệt hấp dẫn như xây dựng nhiều mức lương, được tăng lương định kỳ, chương trình bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt phù hợp với mỗi cấp bậc người lao động và gia đình họ đi kèm, chế độ hưu trí phù hợp để nhân tài yên tâm cống hiến và công tác…
Ths Nguyễn Thị Hồng Thúy tham luận tại Hội thảo. |
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, khung chương trình đào tạo và phương pháp dạy và học; thực hiện giáo dục, đào tạo, dạy nghề phải gắn với doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động.
Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là người nước ngoài
Ngoài ra, Ths Nguyễn Thị Hồng Thúy cũng góp ý, Hà Nội cần đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau như: Sinh sống và làm việc toàn thời gian hoặc trong một thời gian nhất định ở trong nước; sống ở nước ngoài nhưng tham gia tư vấn, tham mưu, kiêm nhiệm… để vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức của những đối tượng này.
Bên cạnh đó, cũng cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là người nước ngoài cống hiến cho thành phố và đất nước bằng các chính sách phù hợp. Bà Thúy dẫn ví dụ Singapore được đánh giá là quốc gia có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài bài bản nhất thế giới. Chính phủ Singapore tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên năng lực, khả năng đóng góp chứ không phân biệt quốc tịch của người nhập cư. Trong số 4,5 triệu lao động Singapore có tới 25% là người nước ngoài.
Tại Nhật Bản, Chính phủ cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người nước ngoài có tài năng đang làm việc tại nước này. Từ năm 2014, Nhật Bản đã nới lỏng các hạn chế liên quan tới visa lao động cho người nước ngoài để thu hút tài năng...
“Thủ đô Hà Nội có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia này để xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế”, Ths Nguyễn Thị Hồng Thúy đề nghị.
Phương Thảo