Đề xuất chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô
Cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài
Đồng thời, để góp phần chuẩn hoá, tăng tính liên thông và chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cán bộ, công chức được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp Thành phố, áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức không phân biệt ở các cấp chính quyền.
Đây là đề xuất quan trọng về chế độ chính sách với cán bộ, công chức cấp xã của Thủ đô. Bởi hiện nay, tại các phường, từ khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, công chức cấp phường đã được liên thông, có chế độ chính sách như công chức cấp quận, nhưng tại các xã, thị trấn, công chức cấp xã vẫn chưa được thực hiện liên thông.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thực tiễn ở Hà Nội, các chính sách thu hút nhân tài hiện tại mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể; chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư, nên chưa đủ sức hấp dẫn.
Do vậy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.
Công chức Bộ phận một cửa phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh minh họa) |
Các nội dung này đang thu hút được sự quan tâm lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Rất nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.
Trong tham luận gửi đến hội thảo khoa học góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi), tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quy định thành phố Hà Nội được quyết định việc trả lương cao hơn để có thể thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị của Thành phố là cần thiết vì nó không chỉ giúp Hà Nội thu hút được lực lượng lao động có chất lượng tốt mà còn đáp ứng yêu cầu thực tế.
So với các địa phương trong cả nước mức chi phí của Hà Nội đắt đỏ hơn, các nhu cầu trong sinh hoạt và làm việc cũng cao hơn. Ngoài ra, các mức chi trả này cũng dựa trên khả năng thực tế Hà Nội có thể bảo đảm được. Nếu mức lương hoặc thu nhập không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, Hà Nội khó giữ ổn định được lực lượng lao động trong khu vực công. Thu nhập thấp cũng dễ làm nảy sinh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Cùng góp ý về nội dung này, Hội Luật gia quận Tây Hồ cho biết, đa số hội viên đề nghị chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn với tổng mức chi gấp đôi (tăng 100%) quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Vì, lộ trình cải cách tiền lương chung của Nhà nước chưa đạt được mục tiêu đề ra, tốc độ điều chỉnh tiền lương và mức điều chỉnh tiền lương còn hạn chế. Trong khi đó, nhìn chung thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hà Nội còn thấp, đa số thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài Nhà nước, nhưng khối lượng công việc hàng ngày rất nhiều, chi tiêu sinh hoạt và các khoản chi phí khác tại thành phố khá đắt đỏ, cao nhất nhì toàn quốc…
Quan tâm xây dựng môi trường và văn hóa làm việc
Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương bảy (khóa XII) thì việc chi thu nhập tăng thêm tuy được khuyến khích đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách nhưng vẫn mới chỉ được xác định là cơ chế thí điểm. Do đó, nếu quy định nội dung này trong dự thảo Luật để áp dụng ổn định, lâu dài thì cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá cao việc đề xuất trong dự thảo Luật các cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hà Nội. Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi và có thể áp dụng được trên thực tiễn, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài và có sự phân hóa rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm xây dựng môi trường và văn hóa làm việc hiện đại, thân thiện, dân chủ, cạnh tranh lành mạnh; cải thiện điều kiện, cơ sở vật chất để qua đó góp phần khích lệ tinh thần sáng tạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động.
Việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) được cho là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.