Gỡ khó trong quản lý, phát triển hệ thống giao thông vận tải Thủ đô
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải có nhiều yêu cầu phát triển chính đối với hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô như: Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, đường vành đai; phân cấp mạnh hơn cho thành phố trong việc quản lý, bảo trì các tuyến đường quốc lộ, vành đai, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc đô thị nằm trên địa bàn Hà Nội; phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chính sách ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô; khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông và chính sách ưu tiên phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD)…
Lực lượng chức năng phân luồng giao thông. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Để triển khai được các định hướng lớn nêu trên theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cần giảm khối lượng giao thông tại khu vực nội thành; hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trong đô thị trong đó định hướng chung là phát triển hệ thống giao thông công cộng sức chứa lớn, với cốt lõi là hệ thống đường sắt đô thị, bus, BRT; giảm phương tiện cá nhân; thúc đẩy giao thông xanh, giảm phát thải. Trong đó cấp bách là nhu cầu xây dựng nhanh, hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị; luật hóa những chính sách hỗ trợ người đi bộ, người xe đạp và người khuyết tật trong giao thông đô thị.
Tổ chức giao thông hiệu quả trên nền tảng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện cơ chế tài chính huy động được các nguồn lực trong nước, ngoài nước, nhà nước, xã hội hóa đầu tư cho các dự án giao thông và cơ chế thực hiện các dự án giao thông đặc thù cho Hà Nội…
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Thanh Chương về cơ bản, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề cập và kiến tạo các hành lang pháp lý cơ bản cho các nhóm giải pháp nêu trên. Tuy nhiên, về mặt tổng thể, qua nghiên cứu kinh nghiệm luật hóa chính sách giao thông vận tải tại các siêu đô thị tại Đông Á và Đông Nam Á có lịch sử phát triển tương đồng với Hà Nội, PGS.TS đề xuất một số ý kiến để thành phố Hà Nội xem xét, bổ sung.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải phát biểu tại hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). |
Hà Nội cần có hành lang pháp lý để hình thành một Quỹ đặc biệt cho giao thông công cộng của Hà Nội để tập trung các nguồn lực tài chính từ xã hội vào Quỹ này và tạo ra được nguồn đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển chính sách giao thông và tài trợ cho việc vận hành hệ thống giao thông công cộng cho thành phố.
Theo kinh nghiệm của các siêu đô thị tại châu Á (Seoul, Tokyo), nguồn thu từ quỹ này hình thành từ một phần nhỏ trong thuế nhiên liệu, thuế ô tô và nguồn thu từ phí gây tắc nghẽn giao thông. Ở Thủ đô Hà Nội, việc thu phí còn có thể áp dụng cho việc thu phí vận tải của các phương tiện siêu trường, siêu trọng cần cấp phép đặc biệt khi lưu thông trong đô thị.
Cần có cơ chế để áp dụng Chiến lược thu hồi giá trị (Value Capture) không chỉ cho việc thu hồi giá trị chênh lệch địa tô từ các dự án hạ tầng giao thông mà cần mở những hành lang pháp lý cho việc thu phí từ phương tiên, việc sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông bằng xe cá nhân, phí gây ùn tắc giao thông.
Cần luật hóa những chính sách phát triển không gian đi bộ và tiếp cận giao thông cho người khuyết tật trong đô thị. Kinh nghiệm của Seoul và Tokyo cho thấy hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn chỉ bắt đầu phát huy tác dụng khi lối tiếp cận cho người đi bộ và nhóm người yếu thế được mở rộng cùng với việc hạn chế được phương tiện cá nhân.
Cần có hành lang pháp lý để hình thành một tổ chức/đơn vị có chức năng quản lý dữ liệu giao thông thống nhất, làm cơ sở để điều hành hệ thống vận hành và tổ chức giao thông - vận tải trong siêu đô thị Hà Nội, đây là phần cốt lõi của mô hình đô thị thông minh cho Hà Nội.
Hà Nội cần có quy định phù hợp về quản lý, phát triển hệ thống vận tải; bao gồm hệ thống vận tải hành khách và hệ thông vận tải hàng hóa trong đô thị. Trong đó có cơ chế hình thành các trung tâm Logistic lớn trong đô thị và có quy định hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân làm xương sống cho hệ thống vận tải hàng hóa trong đô thị…