Giúp người lao động yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến
“Mái ấm công đoàn” hiện thực hoá ước mơ an cư cho người lao động "Hậu phương" vững chắc của người lao động Phát huy quyền làm chủ của người lao động |
Để giải đáp những thắc mắc trên, Báo Lao động Thủ đô đã trao đổi với chuyên gia thuộc các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tiền lương, pháp lý của Hà Nội để kịp thời thông tin đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động giúp họ đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến cho sự phát triển chung của Thủ đô.
Nâng lương trước thời hạn cho người được khen thưởng
Thông tin về những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được xét nâng lương trước thời hạn, bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho biết: Hiện nay, thành phố Hà Nội đang thực hiện theo Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.
Báo Lao động Thủ đô luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của người lao động trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Ảnh minh họa) |
Theo đó, nâng bậc lương trước thời hạn nếu đạt một trong các hình thức khen thưởng: Huân chương các loại; Danh hiệu Anh hùng Lao động; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Thành ủy; Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng nhân dân; UBND Thành phố; Bằng khen của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương. Và các danh hiệu như: Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ Nhân ưu tú; Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố.
Theo bà Vũ Minh Huyền, những người có đề tài khoa học hoặc sáng kiến kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật được cấp Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chiến sĩ thi đua cơ sở; Danh hiệu “Người tốt, việc tốt tiêu biểu” cấp Thành phố cũng được nâng bậc lương.
Doanh nghiệp phải đóng và chốt sổ bảo hiểm xã hội
Liên quan đến những thắc mắc về việc người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm có được hưởng lương hưu không, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội quy định, đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu là 20 năm được hưởng lương hưu; tối đa đối với lao động nam đóng bảo hiểm xã hội 35 năm sẽ đạt mức hưởng tối đa 75%, nữ 30 năm đạt 75%. Khi đóng bảo hiểm xã hội trên 75% sẽ được nhận trợ cấp một lần.
Theo bà Dương Thị Minh Châu, năm 2023, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ là 56 tuổi, nam là 60 tuổi 9 tháng. Nếu trong năm nay, người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng tỷ lệ là 45% đối với nam và 55% với nữ, nếu tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì lương hưu sẽ tăng lên.
Trường hợp doanh nghiệp khó khăn, nợ đóng bảo hiểm xã hội thì không thể giải quyết được quyền lợi cho nhiều người lao động. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã có hướng dẫn doanh nghiệp làm công văn đề nghị tách đóng cộng với tiền lãi và chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người về hưu, người thôi việc. Nếu doanh nghiệp không tách đóng thì sẽ là vi phạm quyền lợi của người lao động.
Bà Dương Thị Minh Châu cũng cho biết, trong rất nhiều năm, khi lương cơ sở tăng thì lương hưu sẽ được điều chỉnh. Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở tăng 20,8%, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, đề xuất những người nghỉ hưu cũng sẽ được tăng, với mức tăng 12,5% và 20,8%.
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Xung quanh vấn đề trong trường hợp nào thì doanh nghiệp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người đã ký hợp đồng không xác định thời hạn, luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong 7 trường hợp, trong đó có việc người lao động thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng muốn xác định người lao động thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ thì trước đó doanh nghiệp phải xây dựng quy chế, tiêu chí đánh giá hoàn thành, đưa vào nội quy lao động. Nếu doanh nghiệp chưa xây dựng được quy chế này thì không được đơn phương chấm dứt hợp động với người lao động.
Những trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khác là người lao động bị ốm, bị bệnh nghỉ việc lâu ngày; doanh nghiệp sắp xếp lại công nghệ, di chuyển địa điểm sản xuất nhưng trong trường hợp này thì doanh nghiệp phải xây dựng phương án, có xác nhận của Công đoàn cơ sở gửi phương án lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và được chấp thuận thì mới được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.