Giảm thuế VAT - “Liều thuốc” kích cầu tiêu dùng
Giá thực phẩm hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm so với tháng trước Để quyền của người tiêu dùng ngày càng đi vào thực chất |
Người dân được hưởng lợi
Nếu VAT giảm từ 10% xuống 8%, liệu giá các mặt hàng có giảm? Câu trả lời tuy chưa chắc chắn nhưng đó là kỳ vọng mà người tiêu dùng đang trông đợi. Chị Đinh Thị Hiền, một người dân ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Sáng hôm qua tôi đi mua một bó rau muống ở trong siêu thị với giá 15 nghìn đồng. Nếu thuế giảm 2%, tôi sẽ mua với giá rẻ hơn, tiết kiệm chi tiêu đối với gia đình. Các mặt hàng khác cũng vậy. Số tiền tiết kiệm được chúng tôi sẽ đi mua thêm những mặt hàng khác để phục vụ cuộc sống. Ngoài ra, nếu các hộ kinh doanh hàng ăn có thể mua nguyên liệu với giá rẻ hơn, giá bán cũng sẽ giảm đi, người dân cũng được hưởng lợi”.
Chị Trần Thị Mùi, chủ một cửa hàng bán phở ở Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội cũng cho biết, làm dịch vụ ăn uống ai cũng mong muốn mua được thực phẩm tốt với giá rẻ, bởi như vậy giá thành sản phẩm bán ra mới rẻ, thu hút được đông khách tới nhà hàng. “Với giá bán giảm, người tiêu dùng mua hàng nhiều, chúng tôi bán được nhiều hơn, thì đối với những người cung cấp hàng hóa trực tiếp cho chúng tôi cũng sẽ được lợi. Nhìn chung lợi cả đôi bên”, chị Mùi nhận định.
Ảnh minh họa: BT |
Không chỉ các hộ dân, hộ kinh doanh nhỏ, lẻ, mà ngay chính các doanh nghiệp cũng đang kỳ vọng vào chính sách giảm thuế. Từ góc độ thực thi, ông Lê Thanh Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hadico cho rằng, trong các chính sách tài khoá, giảm thuế VAT tạo tác động trực tiếp cho nền kinh tế, có tính lan toả và dễ triển khai. Khi chính sách có hiệu lực, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi ngay từ việc giảm thuế.
“Doanh nghiệp giảm chi phí thực thi, không cần qua các khâu xét duyệt thủ tục hồ sơ hay các điều kiện ngặt nghèo. Không chỉ các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ được hưởng lợi trực tiếp, việc giảm thuế còn hiệu lực lan toả tới doanh nghiệp ở những lĩnh vực liên quan tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ có cung cấp hàng hoá dịch vụ đang áp thuế VAT 10% nếu hàng hoá, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ được quy định.
Hơn nữa, khi nền kinh tế khởi sắc, người dân có tích lũy sẽ tăng tiêu dùng và đầu tư, mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác, có thể không hoặc ít được hưởng lợi hơn từ việc giảm thuế VAT”, ông Lê Thanh Hà phân tích.
“Liều thuốc” giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng
Vấn đề doanh nghiệp này mong muốn, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, các cơ quan chức năng có phương án giảm thuế đồng bộ ở các ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến chuỗi cung ứng để thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện. Bởi lẽ trong chuỗi, có những mặt hàng không được giảm thuế nhưng lại sử dụng hàng hoá đầu vào được giảm thuế khiến cho doanh nghiệp bán hàng được giảm thuế nhưng doanh nghiệp mua hàng bị tăng thuế…
Ngoài ra, trong trường hợp chỉ áp dụng giảm thuế với một số hàng hoá, dịch vụ, cần có hướng dẫn, phân loại cụ thể để doanh nghiệp dễ thực hiện, không gây nhầm lẫn vì thời gian thực hiện giảm thuế không quá dài, kéo dài trong nửa cuối năm nay.
Kết thúc năm 2022, chính sách giảm thuế VAT theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ hết hiệu lực cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có kiến nghị tiếp tục thực hiện giảm thuế đến hết năm 2023. Ảnh hưởng của kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với khó khăn khi nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đều có dấu hiệu giảm.
Đặt lên bàn cân những mặt được và chưa được, nếu tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế VAT trong bối cảnh trên, câu trả lời nhận được là khá rõ ràng. Giảm thuế VAT, cả doanh nghiệp và người dân giảm bớt nỗi lo tăng giá hàng hóa, giảm áp lực đầu vào kích thích tiêu dùng hiệu quả và thúc đẩy sản xuất. Đặc biệt, với doanh nghiệp, năm 2023 khi “cơ thể” đang hồi phục sau đại dịch Covid-19 lại được dự báo chịu tiếp tác động của “cơn gió nghịch” thì chính sách tài khóa hỗ trợ, trong đó chủ đạo là trợ lực từ chính sách thuế được xem là liều thuốc giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng trong thời gian tới.
Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), năm 2023, suy thoái kinh tế khiến doanh nghiệp vẫn bộn bề khó khăn. Trong quý I, xuất khẩu của doanh nghiệp sụt giảm. Thúc đẩy thị trường nội địa, tăng tiêu dùng trong nước được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay tổng cầu trong nước khá yếu. Việc sử dụng công cụ thuế để kích cầu tiêu dùng trong nước là cần thiết, trong đó hữu hiệu nhất có lẽ là chính sách giảm thuế VAT.
Trước đó, chính sách này đã được thực hiện trong năm 2022, được đánh giá là một trong số những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mang lại hiệu quả sâu rộng. Về cơ bản, giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Nhưng, việc giảm thuế VAT trong thời điểm khó khăn lại góp phần duy trì tăng trưởng bởi chi phí đầu vào giảm góp phần giảm áp lực, kích thích sản xuất cho doanh nghiệp. Đồng thời, kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách giảm giá từ giảm thuế VAT góp phần giảm lạm phát. Vòng quay tiêu dùng như thế sẽ tạo ra những đóng góp vào tăng trưởng GDP và ngành thuế có nguồn thu.
Trong các chính sách tài khoá, giảm thuế VAT tạo tác động trực tiếp cho nền kinh tế bởi khi chính sách có hiệu lực, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi ngay lập tức, tính minh bạch cao, giảm chi phí thực thi, không cần qua các khâu xét duyệt hồ sơ hay các điều kiện ngặt nghèo. Việc thực hiện giảm thuế VAT khá tốt trong năm 2022 cho thấy hiệu quả của chính sách và từ tình hình thực tế hiện nay cần thiết tiếp tục kéo dài chính sách này trong năm nay.
Bảo Thoa