Đốt rác gây nguy hại môi trường: Thói quen xấu phải sớm chấm dứt
Phân loại rác tại nguồn: Bài toán lớn cho cả “thành phố môi trường” Cần có lộ trình xử phạt người không phân loại rác |
Tràn lan từ nông thôn đến thành thị
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, hiện nay tình trạng người dân tự ý đốt rác thải diễn ra tràn lan, ở bãi đất trống, giữa đường hay ngay tại các khu dân cư có nhiều hộ gia đình đang sinh sống.
Ở khắp nơi, từ những ụ lá khô, cỏ khô, đến rác sinh hoạt gồm nhựa, ni lông… đều được người dân tập kết rồi vô tư châm lửa đốt, mặc cho khói bay tỏa mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người còn cho rằng đây là hành động bình thường, lâu dần trở thành thói quen khó bỏ.
Rác thải bị đem đốt ngay giữa phố gây ô nhiễm và mất mỹ quan. Ảnh: Vũ Khoa |
Ví dụ như tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, bãi rác hình thành theo vị trí tập kết của Hợp tác xã Thành Công luôn âm ỉ khói ngày đêm, diễn ra trong nhiều năm khiến sinh hoạt của hàng trăm hộ gia đình gần đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hay tại phố Ngọc Trục, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, hai bên lối đi vào khu dân cư từ lâu cũng trở thành nơi một số người dân vứt, đốt rác tạo ra những cột khói đen bốc lên nghi ngút không thể dập tắt.
Điều đáng nói, hành vi đốt rác không chỉ diễn ra ở những nơi vắng vẻ, khó kiểm soát mà xảy ra ngay tại quận trung tâm cho thấy tình trạng này cần phải được quan tâm đúng mức hơn.
Cụ thể, trước cổng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (ngõ 175B, phường Láng Thượng, quận Đống Đa) tồn tại bãi rác lớn rải dọc theo hàng trăm mét vỉa hè, lòng đường khiến hạ tầng đô thị vừa được đầu tư, xây dựng trở nên vô cùng mất mỹ quan và ô nhiễm.
Anh Nguyễn Tấn Trường, người dân sống tại ngõ 175B phường Láng Thượng, quận Đống Đa chia sẻ, mùi xú uế bốc ra từ đống rác thải cộng hưởng với khói độc hại khiến việc kinh doanh của gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Mặc dù đã nhiều lần phát hiện có người đốt rác và nhắc nhở nhưng vẫn không chấm dứt được do là ngõ chung, không phải lúc nào chúng tôi cũng tự giám sát. Chưa kể, vẫn có nhiều người coi đây là thói quen và không nghĩ rằng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường” - anh Nguyễn Tấn Trường nói.
Đây chỉ là một số ví dụ điển hình cho thấy vấn đề đốt rác gây hại cho môi trường sống đang bị thả nổi, dẫn đến diễn ra tràn lan. Thực tế, ở khắp nơi trên địa bàn TP, không khó để gặp hình ảnh người dân thu gom rồi đem đốt rác thải một cách vô tội vạ. Trong khi đó, công tác kiểm soát, xử lý của lực lượng chức năng lại gặp khó khăn khi không đủ nhân sự túc trực tại các điểm vi phạm, cùng đó là thiếu công cụ giám sát ghi hình, lưu giữ hình ảnh để làm căn cứ xử lý.
Cần thêm chế tài xử phạt
Theo một số chuyên gia về môi trường, rác bị đốt sẽ tạo ra khói tỏa vào các nhà xung quanh nếu diễn ra tại khu dân cư, ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt của người dân cũng như kết cấu các công trình công cộng do bị nhiệt lượng cao tác động lâu ngày.
Rác thải bị đem đốt ngay giữa phố gây ô nhiễm và mất mỹ quan |
Mặt khác, khí thải sinh ra từ đó cũng khiến ô nhiễm môi trường không khí, gây mùi hôi; nước rỉ rác sinh ra sẽ chảy xuống ao hồ, làm ô nhiễm nguồn nước. Chính vì vậy, đầu tiên người dân cần có ý thức xóa bỏ thói quen xưa cũ, góp phần bảo vệ chính môi trường mình đang sống.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, quy định cấm đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật đã được nêu ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tuy nhiên, việc xử phạt hành vi đốt rác tự phát lại không được quy định cụ thể. Chính vì vậy, dù hành động này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, nguy cơ cháy lan nhưng rất khó xử lý, nhất là khi việc đốt rác được thực hiện tại các bãi đất trống hay trong sân nhà.
Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Đức Hiển - Phòng Luật Tài nguyên và Môi trường (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho biết, hiện nay Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực với các chế tài rõ ràng hơn trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn rất nhiều cá nhân, hộ gia đình, tổ chức vẫn vi phạm các quy định, có những hành vi gây ô nhiễm nhưng chưa bị xử lý một cách nghiêm khắc, triệt để do vẫn còn lỗ hổng.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu đâu là hành vi gây hại với môi trường. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt. Trong đó, bên cạnh sự tự giác của người dân, vai trò quản lý của người đứng đầu tại các địa phương cần được chú trọng nếu để xảy ra vi phạm.
Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt luôn là thách thức, những nơi diễn ra tình trạng rác bị đốt phát sinh nhiều từ điểm tập kết tạm của các công ty thu gom do không được chuyển đi ngay, dẫn đến hình thành bãi rác lớn. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng TP Hà Nội cần sớm bổ sung các điểm trung chuyển có hàng rào phân cách, có người trông coi và di chuyển đúng thời gian quy định, tránh gây ảnh hưởng tới người dân.
Theo Vũ Khoa/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/dot-rac-gay-nguy-hai-moi-truong-thoi-quen-xau-phai-som-cham-dut.html