Dồn lực thi công thông xe nhiều tuyến cao tốc Bắc-Nam trong năm nay
Bộ GTVT sẽ công khai tất cả các tiêu chí lựa chọn nhà thầu cao tốc Bắc-Nam |
Bộ Giao thông Vận tải sẽ nỗ lực hoàn thành và đưa vào khai thác thông xe gần 250km nữa trong từ nay tới cuối năm 2023. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Các Ban quản lý dự án và nhà thầu thi công đang nỗ lực ngày đêm để thi công nhằm hoàn thành, thông xe hàng loạt dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 trong năm nay.
Sẽ hoàn thành thông xe thêm 250km
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án PPP và 8 dự án đầu tư công) với tổng chiều dài 652,9km.
Đến nay, các chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các dự án thành phần gồm Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15,2km), Cam Lộ-La Sơn (dài 98,3km) trong năm 2022. Ngày 29/4 vừa qua, 2 dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 (dài 63,4km), Phan Thiết-Dầu Giây (dài 99km) cũng đã được thông xe.
Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác 5 dự án thành phần trong năm nay (tổng chiều dài gần 250km) bao gồm Vĩnh Hảo-Phan Thiết (dài 100,8km), Quốc lộ 45-Nghi Sơn (dài 43,2km), Nghi Sơn-Diễn Châu (dài 50km), Nha Trang-Cam Lâm (dài 49,1km), cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu (dài 6,01km).
“Như vậy, bảy dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam với tổng chiều dài khoảng 411,6km sẽ được Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm nay,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Là dự án về đích vào tháng 9/2023, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc quản lý dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn (Ban quản lý dự án 2), sản lượng thi công dự án này đạt khoảng 70% giá trị hợp đồng. Để đảm bảo tiến độ, tất cả các đoạn tuyến thông thường đang được ban chỉ đạo nhà thầu thi công cuốn chiếu.
Thi công 5,7km tuyến chính và 4,3km tuyến nối của gói thầu XL02, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc ban điều hành gói thầu XL02 của nhà thầu Công ty cổ phần Lizen cho biết nhà thầu hiểu được áp lực về tiến độ nên việc thi công cầm chừng là điều tuyệt đối không xảy ra với phạm vi công việc Lizen đảm nhận.
"Bất kỳ lúc nào thời tiết ủng hộ, công địa thuận lợi, nhà thầu sẵn sàng tăng ca, tăng kíp, sáng đèn thi công đến đêm muộn,” ông Tuấn quả quyết.
Với đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu, đại diện Ban quản lý dự án 6 cho biết hiện sản lượng thi công toàn dự án đạt 76% giá trị các hợp đồng.
“Các nhà thầu đã huy động 25 mũi thi công trên 4 gói thầu xây lắp, tiến độ thi công của các nhà thầu đang bám sát kế hoạch đăng ký, việc đưa dự án về đích trong tháng 8/2023 là khả thi,” đại diện Ban quản lý dự án 6 khẳng định.
Tại công trình cầu Mỹ Thuận 2 có 4 gói thầu xây lắp, đến nay dự án đạt sản lượng thi công hơn 78%, vượt gần 2% so với kế hoạch. Các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc bám công trường, thi công “3 ca, 4 kíp” để hoàn thiện các hạng mục nhằm đưa công trình về đích trong tháng 12/2023 theo đúng tiến độ yêu cầu.
Hai dự án cao tốc đoạn Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết cũng đang được Ban quản lý dự án và nhà thầu nỗ lực hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông, hộ lan, sơn kẻ vạch đường, biển báo… để kịp thông xe vào ngày 19/5 tới đây.
Hoàn thành dự án là danh dự, uy tín của nhà thầu
Là nhà thầu tham gia hàng loạt nhiều gói thầu cao tốc Bắc-Nam của cả 2 giai đoạn, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết đơn vị luôn nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như niềm tự hào, vinh dự khi được lựa chọn tham gia thực hiện dự án trọng điểm quốc gia.
“Do vậy ngay từ ngày đầu khởi công dự án, Vinaconex và các nhà thầu đã luôn nỗ lực cố gắng, triển khai thực hiện với tinh thần không nghỉ một ngày để đảm bảo tiến độ đề ra, xác định việc hoàn thành dự án là danh dự, uy tín của doanh nghiệp,” ông Thanh quả quyết.
Nhà thầu tiến hành thi công thảm nhựa bê tông mặt đường một dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Đề cập đến quá trình triển khai thi công các dự án cao tốc trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy thừa nhận, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ việc khan hiếm vật liệu thông thường như đất đắp, đá, cát; ảnh hưởng của COVID-19; thời tiết bất lợi khi mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ; biến động giá vật liệu xây dựng… đã “bào mòn” tài chính của nhà thầu.
Tuy nhiên, để thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quyết liệt xử lý với tinh thần “Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung rà soát, nhận định những khó khăn, vướng mắc chung liên quan đến thẩm quyền của bộ đồng thời phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương nơi dự án đi qua để tập trung giải quyết và tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án.
“Hiện nay các nhà thầu đang tập trung nguồn lực tổ chức triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến bảo đảm tiến độ hoàn thành chất lượng công trình theo yêu cầu đề ra. Riêng với 2 dự án PPP cao tốc đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (dài 49,3 km) và Cam Lâm-Vĩnh Hảo (dài 78,5 km) sẽ hoàn thành trong năm 2024,” Thứ trưởng Huy cho hay.
Dự kiến đến năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau nâng tổng số chiều dài cao tốc của cả nước tăng lên gần 3.000km; tiến tới mục tiêu đột phá hạ tầng giao thông, hình thành 5.000km cao tốc trên cả nước vào năm 2030./.
Theo Việt Hùng/Vietnamplus.vn