Doanh nghiệp đầu tư bất động sản đói dự án: Vẫn là câu chuyện thủ tục pháp lý
Xử lý nghiêm những đối tượng đưa tin đồn thất thiệt về chứng khoán và bất động sản |
Trong giai đoạn 2018 - 2021, thị trường bất động sản có biểu hiện chững lại ở một số phân khúc do mất cân đối cung cầu. Đặc biệt, từ tháng 3/2020 trở đi, mức độ khó khăn càng trầm trọng thêm do dịch Covid-19. Thị trường bị sụt giảm mạnh cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở và lượng giao dịch, nhất là phân khúc bất động sản du lịch. Theo đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ, đã “yếu thế” lại càng yếu hơn so với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn. Một số doanh nghiệp lớn thuộc diện bị điều tra đang ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư…
Từ cuối 2021 đến nay, nguồn cung thị trường bất động sản tiếp tục hạn chế khiến tình trạng “sốt đất” ở nhiều nơi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điển hình nhất là việc mất cân đối cung - cầu trong phân khúc nhà ở bình dân, nhà xã hội ngày càng rõ rệt. Doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nguồn cung thị trường bất động sản tiếp tục hạn chế. (Ảnh minh họa: BT) |
Nhìn chung, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, chưa điều tiết thị trường một cách hiệu quả, nhất là chính sách tín dụng cho bất động sản có giai đoạn thì mở rộng, và đến nay ngày càng thắt chặt, khiến cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đều “nghẹt thở”, đồng thời gây rủi ro cho thị trường...
Thị trường bất động sản phát triển kéo theo một loạt các ngành khác trong nền kinh tế, từ sản xuất vật liệu xây dựng đến kinh doanh thương mại, dịch vụ du lịch,... đóng góp lớn cho GDP cả nước. Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, ngành xây dựng đóng góp khoảng 16% GDP cả nước, trong đó, liên quan đến bất động sản là khoảng 8- 9%. Bất động sản tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sự phát triển của ngành xây dựng rất rõ nét và có liên quan chặt chẽ với nhau.
Tại đối thoại chuyên đề: “Nhận định chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế”, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, nếu bất động sản phát triển đúng mức, ngành xây dựng sẽ có thuận lợi rất lớn và đảm bảo sự phát triển. Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp đầu tư bất động sản, trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Chưa bao giờ doanh nghiệp đầu tư bất động sản khó khăn như hiện nay.
Theo ông Hiệp, hành lang pháp lý của bất động sản liên quan tới khoảng 12 luật. Trong hệ thống pháp luật, các thủ tục pháp lý do các bộ chuyên ngành soạn thảo nên có sự đan xen, chồng chéo,... vì vậy các cơ quan hành pháp khó xử lý. Điều này dẫn đến việc các dự án bị chậm lại, có những dự án dừng cả chục năm, chi phí vô hình cho các doanh nghiệp bất động sản là rất lớn. Những quy định, thủ tục này đã được kiến nghị và được cơ quan quản lý nhà nước cũng như Chính phủ ghi nhận cần tháo gỡ. Tuy nhiên, việc tháo gỡ sẽ cần có thời gian và chắc chắn trong giai đoạn hiện tại là khó khăn.
Doanh nghiệp bất động sản mong muốn nhà nước có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển (Ảnh minh họa: Đỗ Đạt) |
Ngoài các thủ tục pháp lý, gần đây Việt Nam có chủ trương siết chặt tín dụng bất động sản với cả người mua và người bán. Khi tín dụng siết chặt lại, trái phiếu cũng được quản lý chặt chẽ, các doanh nghiệp bất động sản sẽ không có nguồn cung về tài chính. Do bất động sản ở Việt Nam còn có xu thế bán nhà hình thành trong tương lai, nên vừa làm vừa thu gom vốn của người mua. Đây là một rào cản mà nếu không cẩn thận, bất động sản sẽ đổ vỡ.
Cùng với tác động của đại dịch Covid-19, thị trường vừa chứng kiến 2 đợt “bão giá” vật liệu xây dựng. Đơn cử như riêng giá sắt thép trong quý 2 đã tăng khoảng 7% so với quý 1/2022. Hơn nữa, các doanh nghiệp xây dựng, các nhà thầu đều đang thiếu và rất khó tìm kiếm công nhân. Nếu như trước đây giá một m2 xây dựng cơ bản với nhà thấp tầng chỉ 4 triệu đồng thì nay để nhận thầu, các doanh nghiệp phải nhận 6 triệu đồng/m2, tăng 150%.
Đồng ý với Chủ tịch GP.Invest, ông Lưu Quốc Yên - Giám đốc Chiến lược Tập đoàn CEO cho rằng, ngoài tác động của đại dịch Covid-19, yếu tố tác động lớn tới các doanh nghiệp còn nằm ở vấn đề hành lang pháp lý chưa đầy đủ, làm hạn chế hoạt động của bất động sản du lịch. Vì vậy, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản du lịch để thị trường này phát huy đúng vai trò, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển.
Về xây dựng những dự án nhà ở xã hội hay cải tạo tập thể cũ, đáp ứng nguồn cầu lớn tại thị trường là vấn đề mà doanh nghiệp rất quan tâm, mong muốn được tham gia, nhưng làm thế nào để tiếp cận được thông tin và có cơ hội được xây dựng, cải tạo các dự án thuộc phân khúc này thì doanh nghiệp không tự giải đáp được.
Khó khăn về pháp lý, nếu không được tháo gỡ thì các dự án đầu tư cũng như kinh doanh sẽ phải tạm dừng. Trong giai đoạn này, giới doanh nghiệp bất động sản mong muốn Nhà nước có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển và là điểm cốt yếu giúp cho phục hồi kinh tế giai đoạn hậu Covid-19.
Theo Bảo Thoa/laodongthudo.vn